Video: Trầm mình vớt rong câu trên sông Trường Giang
8h sáng, ông Huỳnh Văn Quân cùng hai người dân khác ở thôn Nam Sơn, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, chèo thuyền neo vào bờ.
300kg rong câu chất đầy ắp trên chiếc thuyền là thành quả mà 3 lao động thu được sau 3 tiếng đồng hồ chèo thuyền ra khúc sông Trường Giang cách bờ tầm 2 cây số và khai thác loài thủy sinh đang sinh sôi ở vùng nước lợ này.
Ông Quân chia sẻ, dụng cụ hành nghề vớt rong câu hết sức đơn giản. Chỉ với 1 chiếc cào, 1 túi lưới là có thể giong thuyền ra con nước cách xa bờ để vớt rong. "Hai người đàn ông sẽ trầm mình xuống nước và dùng chiếc cào để vớt rong cho vào túi lưới rồi vận chuyển lên thuyền. Người phụ nữ ngồi trên thuyền phụ trách việc gỡ bỏ rác rưới bám vào rong câu" .
Với những người phụ nữ không có thuyền chèo đi khai thác, họ canh lúc thủy triều xuống và lội ra khu vực gần bờ cũng có thể vớt được rong câu.
Theo bà Nguyễn Thị Chín (65 tuổi), tầm tờ mờ sáng là thời điểm thủy triều xuống, đó cũng là lúc chị em phụ nữ kéo ra sông Trường Giang vớt rong câu khá đông. "Trung bình một buổi vớt rong câu kéo dài tầm 3-4 tiếng, tôi và con gái vớt được khoảng 100kg rong câu. Bán lại cho thương lái với giá 5 nghìn đồng/kg, như vậy hai mẹ con cũng kiếm được 500 nghìn đồng" , bà Chín hồ hởi khoe.
Đang rửa sạch mớ rong câu vừa được vớt dưới sông lên, người phụ nữ này vui vẻ cho biết, mùa khai thác rong câu thường bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài cho hết tháng 5 dương lịch. Đặc biệt, rong câu năm nay được mùa lại được giá nên người dân địa phương hết sức phấn khởi với công việc mang tính thời vụ này.
Gắn bó với nghề khai thác rong câu suốt chục năm qua, bà Lê Thị Lợi (60 tuổi) bộc bạch, nguồn thu nhập từ nghề này mang lại cũng đủ để chạy cơm từng bữa cho gia đình. Theo bà Lợi, công việc vớt rong đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó. Rong câu sau khi vớt lên bờ phải rửa sạch qua mấy bận nước, sau đó mới bán lại cho thương lái.
Rong được rửa sạch sẽ trước khi cho vào bao.
Nhiều món ăn dân dã như thạch rau câu, chè... được chế biến từ rong câu.
"Có hôm trầm mình dưới dòng nước lạnh cóng liên tục hàng giờ đồng hồ, tôi bị cảm lạnh và phải uống thuốc mấy ngày liền. Nhiều người còn suýt bỏ mạng vì mải mê vớt rong câu mà không để ý thủy triều lên. May mà họ biết bơi hoặc được người khác cứu vớt ", bà Lợi chia sẻ thêm về cái nghề đang hái ra tiền nhưng tiềm ẩn lắm nỗi vất vả, gian nan.
THANH BA
Bình luận