• Zalo

Anh em 'đại gia' lan đột biến câu kết với 'bà trùm' khai thác than lậu thế nào?

Pháp đìnhThứ Bảy, 28/08/2021 17:35:03 +07:00Google News
(VTC News) -

"Bà trùm" Châu Thị Mỹ Linh đã cấu kết với anh em "đại gia" lan đột biến hình thành một đường dây khai thác, mua bán và vận chuyển than trái phép có quy mô rất lớn.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị liên quan. 

Đây là đường dây khai thác và tiêu thụ than lậu với quy mô hàng triệu tấn, diễn ra rầm rộ trong thời gian dài gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Hiện cơ quan điều tra đã bắt giam 12 đối tượng, trong đó có Châu Thị Mỹ Linh (trú tại quận 12, TP.HCM, là Giám đốc Công ty CP Yên Phước) và anh em Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh là cặp song sinh "đại gia" lan đột biến nổi tiếng trên mạng xã hội qua những thương vụ mua bán lan đột biến hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài các đối tượng bị bắt giam, cơ quan điều tra cũng đang điều tra làm rõ trách nhiệm của nhiều người khác liên quan đường dây khai thác, tiêu thụ than lậu với quy mô lớn này. 

Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại Thái Nguyên và Hải Dương cũng đang được làm rõ vì để tài nguyên khoáng sản bị khai thác "chui", tiêu thụ rầm rộ mà không phát hiện, xử lý kịp thời.

Anh em 'đại gia' lan đột biến câu kết với 'bà trùm' khai thác than lậu thế nào? - 1

Các đối tượng từ trái qua phải: Châu Thị Mỹ Linh, Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh.

Theo kết quả điều tra, Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Yên Phước đã câu kết, bàn bạc với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) để thu lợi bất hợp pháp.

Năm 2014 Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ với trữ lượng 8.500 tấn/năm. Thời hạn khai thác đến năm 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn.

Từ năm 2018, Công ty Yên Phước bắt đầu khai thác than bằng hình thức lộ thiên. Nhưng chưa đầy một năm sau, Châu Thị Mỹ Linh đã "bán cái" toàn bộ việc khai thác tại mỏ than Minh Tiến cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh điều hành.

Theo hợp đồng giữa hai bên, Công ty Yên Phước đồng ý cho Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác, chế biến than tại mỏ với giá 1 tấn than thành phẩm 450.000 đồng. Khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, có thời hạn trong 5 năm.

Như vậy, Công ty Đông Bắc Hải Dương vào khai thác gấp 47 lần công suất hằng năm (8.500 tấn) và vượt cả tổng sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).

Cơ quan điều tra xác định từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty CP Yên Phước, với sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn than.

Để qua mắt các cơ quan quản lý nhà nước, các bị can đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi vừa tránh bị phát hiện, vừa trốn thuế, phí hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên, sản lượng khai thác hằng năm chỉ bằng đúng với số lượng được cấp phép.

Hàng triệu tấn than khai thác chui được bị can Linh cùng Giang và Thanh tổ chức tiêu thụ trái phép, nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường.

Kết quả điều tra ban đầu xác định công ty của Linh đã bán cho công ty của Giang và Thanh hơn 1 triệu tấn than được khai thác lậu, thu về số tiền hơn 121 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.  

Trương Huyền - Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn