Video: Nuôi cá trên hồ thủy điện giúp người dân thu lãi nửa tỉ đồng mỗi năm
Hồ Thủy điện An Khê được xem là "thủ phủ" của nghề nuôi cá lồng ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Kể từ khi nuôi cá ở lòng hồ thủy điện, cuộc sống của hàng chục hộ gia đình đã thay đổi, khấm khá lên và có của ăn, của để.
Thời gian này, nhiều người dân ở xã Xuân An (thị xã An Khê) đang tất bật kiểm tra từng lồng cá để chuẩn bị cho đợt thu hoạch sắp tới.
Anh Nguyễn Văn Thơm (42 tuổi, xã Xuân An) bắt đầu nuôi cá diêu hồng trên lòng hồ thủy điện từ năm 2012. Vốn là nông dân, trước đó chỉ biết đến ruộng đồng, trồng lúa nên thời điểm đầu nuôi cá, anh Thơm gặp rất nhiều khó khăn.
Theo anh Thơm, cá rất dễ nhiễm nấm mà thời điểm mới nuôi anh lại không biết cách chữa trị nên cá chết sạch, gia đình anh thua lỗ nặng. Không nản chí, anh đã đi khắp nơi để học hỏi, tìm hiểu cách chăm sóc, trị bệnh cho cá. Anh cũng nới diện tích lồng lên thành 50m2 để tạo không gian rộng cho cá bơi lội thoải mái, khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh.
Sau 8 tháng thả lứa cá con, đàn cá của anh đã đủ trọng lượng thu hoạch. Nhận thấy mô hình có hiệu quả, anh Thơm cùng nhiều hộ dân trong xã liên kết, mở rộng phát triển nghề nuôi cá trên lòng hồ thủy điện với hơn 200 lồng.
Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Tèo (50 tuổi, trú tại thôn 3, xã Xuân An) hiện nuôi hơn 60 lồng cá diêu hồng, cá trê.
Theo ông Tèo, nuôi cá trong lồng không hề dễ, cần phải tuân thủ rất nhiều quy trình. "Sau khi thu hoạch cá, người nuôi phải vệ sinh lồng cá và lưới. Thường xuyên theo dõi sức khỏe của đàn cá, nếu cá có dấu hiệu lạ thì tìm hiểu nguyên nhân để trị bệnh, tránh việc lây lan ra cả đà n", ông Tèo chia sẻ.
Nếu nuôi tốt thì mỗi năm, người dân sẽ thu được 3-5 tấn cá thương phẩm/lồng. Với giá bán khoảng từ 35.000-50.000 đồng/kg (tùy loại cá), mỗi hộ gia đình thu lãi giao động trên dưới 500 triệu đồng mỗi năm.
Không những bán ra trong tỉnh, số cá này được người dân xuất bán sang cả các địa phương lân cận như Kon Tum, Bình Định, Đà Nẵng.
Ông Phan Vĩnh Tấn - Phó Phòng Kinh tế thị xã An Khê cho hay, toàn thị xã có 369 lồng cá của 13 hộ dân ở xã Xuân An. Mỗi năm, số lồng cá ở đây đạt sản lượng hơn 1.800 tấn cá thương phẩm. "Thị xã đã xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển nghề nuôi cá lồng. Mô hình nuôi cá được thực hiện là theo dạng sinh học để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường ", ông Tấn thông tin.
HIỀN MAI
Bình luận