• Zalo

Ảnh: Đến Ngọc Trì xem trai làng thi kéo co ngồi

Thời sựThứ Năm, 30/03/2017 16:40:00 +07:00Google News

Bị gián đoạn trong thời gian dài nhưng từ năm 1990 trở lại đây, lễ hội đền Trấn Vũ lại tiếp tục diễn ra hàng năm với phần thi độc đáo là kéo co ngồi.

 Từ năm 1990 trở lại đây, cứ ngày 3/3 Âm lịch hàng năm, lễ hội đền Trấn Vũ (Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) lại diễn ra sau thời gian dài bị gián đoạn.

Lễ hội này được rất nhiều người trông chờ bởi phần thi rất độc đáo là kéo co ngồi.  

Mang đậm nét văn hoá dân gian, thi kéo co ngồi vừa qua đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đang trình UNESCO xét duyệt để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

 Kéo co ngồi được tổ chức trên nền sân đất nện và sử dụng cây song to và nhẵn, dài khoảng 40m, cột trụ thường là gỗ lim cỡ cột đình, được chôn chặt dưới đất.

Thân cột được đục một lỗ tròn ngang đầu gối người lớn để luồn dây song.Trước khi kéo, dây song được nêm chặt tại cột. 

 Kéo co ngồi được tổ chức với mong muốn mang lại điều tốt lành, may mắn cho dân làng… Chính vì điều này, chuyện thắng thua không còn quan trọng trong cuộc thi.

 Trước khi kéo, dây song được nêm chặt ở lỗ cột. Trai kéo co ngồi chân co chân duỗi. Trong đội hình từng phe, lần lượt ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây song.

Đại diện ban tổ chức cho biết, trước kia các đội thi sẽ kéo dây thừng lớn nhưng những năm gần đây ban tổ chức đã chọn được một cây song dài 40m để các trai tráng trong làng tranh tài. 

 Sau cuộc thi, đội chiến thắng sẽ rước cây song vào đình để làm lễ.

Cụ Nguyễn Văn Phụ (90 tuổi), một cao niên trong làng cho biết: "Từ ngày bé tôi đã thấy các cụ trong làng thi kéo co ngồi. Trong thời kỳ kháng chiến, trai tráng trong làng lên đường chống giặc nên cuộc thi này bị gián đoạn thời gian rất dài". 

 Được biết, ngày 2/12/2015, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam (trong đó có kéo co ngồi Ngọc Trì) Campuchia, Hàn Quốc, Philippines vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Video: Độc đáo thi bơi chải trong lễ hội chùa Hào 

(Nguồn: Infonet)
Bình luận
vtcnews.vn