Những ngày qua, hầu hết các đồng ruộng tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre khô nứt do hạn, mặn khốc liệt.
Không khó bắt gặp hình ảnh xe cuốc cào lớp đất phù sa trên mặt ruộng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, số đất này được vận chuyển đi nơi khác hoặc dùng để san lấp mặt bằng trong khu vực.
Nhiều nông dân cho biết, họ cào đi lớp đất này vì mặt ruộng cao hơn mực nước ngọt trên các kênh nội đồng khiến việc canh tác gặp khó khăn.
Việc bán lớp đất mặt ruộng giúp họ có thêm tiền mua phân bón trước tình cảnh không thể xuống giống vụ 3 vì hạn, mặn.
“Vì đất ruộng cao, nước vô không được nên tôi buộc phải lấy đất cho thấp xuống một chút, lấy sâu xuống khoảng 5 phân. Khi lấy đất, người ta hỗ trợ cho chúng tôi mỗi công 500 nghìn đồng hoặc tuỳ theo thỏa thuận. Tiền này để mua phân cho vụ sau”, ông Khổng Văn Bình (52 tuổi, ngụ huyện Ba Tri) cho biết.
Theo khuyến cáo từ các nhà khoa học và cơ quan chức năng, lớp đất bề mặt có vai trò quan trọng trong canh tác lúa. Nó cung cấp nhiều khoáng chất cần thiết, giữ nước và làm nền cho cây lúa phát triển. Việc bán lớp đất mặt ruộng sẽ làm giảm năng suất những vụ lúa tiếp theo, khiến lúa dễ bị đổ ngã, nông dân phải dùng nhiều phân bón hơn nên chi phí cuối vụ cao hơn so với trước.
Video: Hạn mặn khốc liệt, nhà vườn Tiền Giang chắt chiu từng can nước cứu cây
THANH TIẾN
Bình luận