Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908, tại làng Diêm Điền, nay là thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình) trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu truyền thống yêu nước.
Thân phụ là cử nhân Nguyễn Đức Tiết, làm nghề dạy học. Thân mẫu là bà Trần Thị Thùy, (quê ở làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Cha mất sớm, lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh được bạn của cha ở quê ngoại nuôi ăn học.
Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh giác ngộ cách mạng từ rất sớm, là một trong những người đề ra và gương mẫu thực hiện chủ trương “Vô sản hóa”, đưa hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào hầm mỏ, bến cảng, nhà máy dể lao động, rèn luyện và tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin.
Quá trình hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh từng đảm nhiệm, giữ nhiều trọng trách, vai trò quan trọng: Tham dự hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc) và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ; thành viên tích cực tham gia thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước; trực tiếp thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở TP Hải Phòng;
Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, Ủy viên BCH Trung ương lâm thời và Bí thư Tỉnh ủy Hải Phòng; chủ trì Hội nghị đại biểu thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và được bầu làm Hội trưởng lâm thời; đồng thời Hội nghị đã quyết định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh phụ trách.
Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh bị chính quyền thực dân Pháp bắt và kết án tử hình do hoạt động cách mạng tại Đề Lao Hải Phòng ngày 31/7/1932.
Sau 75 năm, lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh bị giặc Pháp xử chém cùng với liệt sỹ Hồ Ngọc Lân. Đến tháng 9/2007, di hài của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân được tìm thấy tại khuôn viên Công ty Cổ phần Giầy Thống Nhất (xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng).
Năm 2008 Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng đã giao cho Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng làm chủ đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân tại chính nơi tìm thấy hài cốt của 2 đồng chí.
Sau hơn 8 năm đưa vào hoạt động, Nhà tưởng niệm đã trở thành địa chỉ đỏ của Thành phố nói riêng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.
Bình luận