Về mặt địa sinh học, theo Wikipedia, Ấn Độ - Thái Bình Dương, đôi khi được gọi là Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương, là một khu vực bao gồm các vùng biển nhiệt đới ở Ấn Độ Dương, phía Tây và trung tâm Thái Bình Dương, các vùng biển kết nối hai đại dương ở Indonesia. Thuật ngữ được xem là rất hữu ích trong ngành sinh vật biển, nghiên cứu các loài cá và nhiều lĩnh vực tương tự.
Theo Politico, khi người Mỹ nói về khu vực bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, họ thường dùng từ “Châu Á – Thái Bình Dương” (Asia - Pacific), cũng là từ xuất hiện trong tên của hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế APEC tại Việt Nam.
Dù vậy trong suốt chuyến công du châu Á của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ liên tục nói đến “Ấn Độ – Thái Bình Dương” (Indo-Pacific). Trước đó vài tuẩn, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng nhắc đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trên dưới chục lần tại bài phát biểu ở Ấn Độ.
Thuật ngữ Ấn Độ – Thái Bình Dương bắt đầu được sử dụng trong giới ngoại giao và học thuật từ đầu những năm 2010, lần đầu tiên được một cán bộ Hải quân Ấn Độ - Gurpreet Khurana sử dụng trong văn bản hợp tác Ấn – Nhật về an ninh trên biển. Trước Trump, thuật ngữ này từng một vài lần được Obama và Hilary Clinton (khi bà làm Ngoại trưởng Mỹ) sử dụng tuy nhiên không phổ biến.
Theo Qz, lý do chính đằng sau việc chuyển từ Châu Á – Thái Bình Dương sang Ấn Độ – Thái Bình Dương là tư tưởng nghĩ về Nam Á và Đông Á một cách riêng biệt đã không còn phù hợp. Châu Á – Thái Bình Dương thông thường tập trung vào khu vực từ Triều Tiên đến cực nam của Trung Quốc, còn Ấn Độ – Thái Bình Dương bao gồm một khu vực rộng lớn các nước nằm ở bờ biển Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, Australia, Indonesia và New Zealand.
Rory Medcalf – chuyên gia từ Đại học Quốc gia Australia cho rằng, khi sự ảnh hưởng của Trung Quốc tiến dần sang phía Tây đến châu Phi, các nền kinh tế Ấn Độ và Đông Nam Á bắt đầu phát triển. Ấn Độ có chính sách “nhìn về phía Đông”, khiến khu vực tiếp xúc giữa hai đại dương hợp thành một hệ thống chiến lược đơn nhất.
Trong bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Shizo Abe năm 2007 “Hợp lưu của hai đại dương” (Confluence of the Two Seas), ông cũng nói rằng hai đại đương đang trải qua một cuộc “đồng hành cao độ để trở thành vùng biển tự do và thịnh vượng” của một châu Á rộng lớn hơn. Chính phủ Úc, một vài năm sau đó (2013) cũng đồng ý rằng hồ sơ chiến lược mới của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang bắt đầu hình thành.
Video: Cận cảnh Tổng thống Trump bước đến dự phiên họp quan trọng nhất APEC
Một khác biệt quan trọng khác của thuật ngữ này là nhấn mạnh Ấn Độ như một cường quốc trong khu vực. Một quan chức Nhà Trắng từng nói: “Chúng tôi nói về Ấn Độ - Thái Bình Dương vì cụm từ này cho thấy tầm quan trọng của sự phát triển của Ấn Độ.”
Bên cạnh đó, thuật ngữ mới khi đề cập đến một khu vực chiến lược rộng lớn hơn cũng được xem là làm cân bằng lại ảnh hưởng của các bên, trong khi với Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc được xem là nhân tố quan trọng nhất.
Theo SCMP, có những suy đoán rằng thuật ngữ liên quan đến việc Washington đang tạo nền tảng cho sự phục hồi của cái gọi là liên minh chiến lược 4 bên bao gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ.
Về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump – người đang đem chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở đến APEC và trong suốt chuyến công du châu Á dài ngày của mình, vẫn chưa có giải thích chính thức nào về sự thay đổi ngôn ngữ này. Một đại diện Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ hé lộ nguyên nhân cuối chuyến đi.
Bình luận