“Ấn tượng Việt Nam” – Những ấn tượng khó phai

Tổng hợpThứ Hai, 23/05/2011 01:55:00 +07:00

Nhiều người nước ngoài đã gắn bó, và đóng góp công sức cho sự phát triển của Việt Nam, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới...

Người nước ngoài đến Việt Nam có nhiều kiểu. Có người đến vì tò mò, đến để du lịch. Có người đến để sống và làm việc. Nhiều người nước ngoài đã gắn bó, và đóng góp công sức cho sự phát triển của Việt Nam, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Chính vì điều đó, đầu năm 2011, VTC10 quyết định xây dựng một chuỗi chương trình về người nước ngoài ở Việt Nam và  “món đặc sản” đầu tiên chính là “Ấn tượng Việt Nam”.

 Với thời lượng 30 phút, phát sóng vào chủ nhật hàng tuần, mỗi chương trình “Ấn tượng Việt Nam” là một câu chuyện của một người nước ngoài đã sống, gắn bó và có những kỷ niệm thú vị về Việt Nam. Chương trình cũng có thêm phụ đề tiếng Anh để không những nhân vật mà bất cứ người nước ngoài nào xem cũng sẽ hiểu rằng chương trình “Ấn tượng Việt Nam” thực sự là của họ.

BTV Nguyễn Nhung trong phỏng vấn một người nước ngoài

 Đa quốc gia, nhiều phong cách…

 Phương châm của nhóm biên tập thực hiện chương trình là tìm kiếm những nhân vật ở nhiều đất nước khác nhau, với những ngôn ngữ khác nhau để “Ấn tượng Việt Nam” trở nên phong phú và hấp dẫn. Nhóm biên tập có ba người: BTV Nguyễn Nhung, BTV Minh Ngân và BTV Hạnh Phúc. Mỗi người với một góc nhìn, một phong cách thể hiện khác nhau đã thổi vào chương trình những màu sắc riêng.

 Nguyễn Nhung theo sát những nhân vật có chất “bụi phủi”, lạ và sâu lắng, theo kiểu truyền hình thực tế, không chuẩn bị hay sắp đặt trước mà để cho tất cả diễn ra một cách tự nhiên. Ví dụ đang quay cảnh dựng lều thì có một ông già đi qua hỏi: “Các cô bán lều à!”, Nhung vẫn để nguyên cảnh đó lên phim, không hề cắt, gọt.

Mỗi chương trình của Nhung lại mang đến cho khán giả những góc nhìn, những cảm xúc tự nhiên nhất. Chương trình do Nhung làm luôn có nét hóm hỉnh, hài hước, âm nhạc mạnh, tiết tấu nhanh.

 Minh Ngân tốt nghiệp chuyên ngành ngoại giao, nên khả năng ứng phó, đối thoại, giao tiếp với người nước ngoài là thế mạnh của cô. Nhiệm vụ đầu tiên lãnh đạo Kênh giao cho Nhung là tham gia thực hiện “Ấn tượng Việt Nam” với thời lượng 30 phút. Phải làm thế nào để khán giả có thể ngồi lại với mình từ đầu đến cuối chương trình, đó chính là áp lực mà Ngân phải vượt qua.

BTV Minh Ngân và Richard Moore

Bằng khả năng và tố chất của một nhà ngoại giao, cô đã làm được và làm tốt không chỉ 1 chương trình. Giờ đây, những chính khách nổi tiếng, những vị đại sứ, những chuyên gia sống và làm việc tại Việt Nam luôn là mục tiêu “săn tìm” của Ngân.

 Khác với Nhung và Ngân, Hạnh Phúc lại đi tìm cho mình những nhân vật gần gũi, dân dã, đời thường và đặc biệt “bắn” tiếng Việt như người Việt. Họ nói được tiếng Việt, hiểu được văn hóa Việt cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực, đương nhiên góc nhìn của họ sẽ thú vị hơn rất nhiều những người chỉ mới tới Việt Nam một vài lần.

 … Và những lần “đánh úp”

 Trong quá trình thực hiện chương trình, nhóm biên tập cũng phải phối hợp với đại sứ quán các nước và các tổ chức như viện Goethe, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp… Tuy nhiên, mỗi người đều chủ động, tự đi tìm những nguồn thông tin và nhân vật cho riêng mình.

 Khó khăn lớn nhất mà ê-kip gặp phải chính là “bắt cóc” được nhân vật. Có những người không phải lúc nào cũng gặp được, bởi tính chất công việc quá bận rộn. Trong một lần đi làm tin, thấy chuyên gia kinh tế Richard Moore là một nhân vật tiềm năng nhưng lại rất bận rộn, Minh Ngân ngay lập tức liên hệ phỏng vấn và bố trí lịch quay. Nhưng đúng ngày đến quay thì Richard lại bận đi ăn cưới một đồng nghiệp người Việt Nam ở tận Hưng Yên. Thế là cả e-kip rồng rắn kéo nhau chạy theo… đi ăn cưới cùng bác để có thể ghi hình, bởi ngay ngày hôm sau Richard lại quay trở về Mỹ. Và nhóm đã phải chờ suốt hai tuần để gặp lại nhân vật, hoàn thiện nốt chương trình.

PV Toba Mika ở Hoàng Thành

 Hay lần làm về nữ họa sĩ người Nhật Toba Mika, nhóm của Minh Ngân cũng chỉ có vẻn vẹn hai ngày từ liên hệ đến ghi hình bởi Toba chỉ ở lại Việt Nam trong thời gian ngắn. Nhân vật rất nhiệt tình nhưng cả nhóm lại không biết… tiếng Nhật. Thời gian lại quá gấp để tìm thông dịch viên. Rất may là nhóm được sự giúp đỡ của nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao Nhật bản. Cả ê-kip kéo nhau ra Hoàng Thành để ghi hình. Nhân vật ngồi ở bậc tam cấp cao nhất, phóng viên ngồi ở bậc thứ hai và “thông dịch viên bất đắc dĩ” phải quỳ ở bậc thứ ba để không bị dính vào hình. Cứ thế, Toba trò chuyện với thứ trưởng bằng tiếng Nhật, thứ trưởng lại quay sang dịch lại bằng tiếng Anh cho Minh Ngân. Vất vả là thế nhưng ê-kip được đền bù xứng đáng khi chương trình đã nhận được lời khen ngợi của lãnh đạo.

 Nguyễn Nhung thì thấy mình thật sự gặp may khi đã “bắt cóc” được David - một chàng trai người Hungary đi bộ xuyên quốc gia. Tình cờ quen biết qua nhóm bạn, không có nhiều thời gian để sắp đặt lịch quay, Nhung dùng luôn máy quay cầm tay để ghi hình. Khán giả ấn tượng mãi với hình ảnh anh Tây đeo một cái balô nặng hơn 30 kg trên vai ra công viên dựng lều, đánh lửa bằng vật dụng cực kỳ thô sơ. Chất lượng hình ảnh có thể không sắc nét như máy quay chuyên dụng nhưng chính sự tự nhiên, sống động của nhân vật khiến cho chương trình thành công ngoài mong đợi. 

 Khá nhiều nhân vật không biết tiếng Việt và tiếng Anh cũng không tốt, vì thế, khâu liên hệ gặp không ít rắc rối. Có lần nhóm của Hạnh Phúc liên hệ với một nhân vật qua điện thoại và hẹn lịch đến quay, nhân vật đã đồng ý rồi nhưng khi cả nhóm lỉnh kỉnh máy móc đến thì anh ta mới thốt lên “ô, thế là phải ghi hình à, không được đâu”… Hay có lần sắp xếp lịch quay đâu vào đó rồi thì đùng một cái nhân vật gọi điện và… từ chối. Minh Ngân cũng sẽ nhớ mãi lần làm chương trình về nhạc trưởng người Nhật Honda Tetsuji. Lần đó, đến giờ đi quay thì nhóm gặp trục trặc về xe cộ nên đến trễ, cuối cùng nhạc trưởng… dỗi, nhóm phải giải thích mãi Người mới nguôi giận và tiếp tục giúp đỡ nhóm hoàn thành chương trình.

 Những “món quà” giản dị

 Thật khó để mỗi biên tập trả lời câu hỏi “Nhân vật nào khiến bạn ấn tượng nhất?”, bởi với họ, mỗi nhân vật là một câu chuyện với ấn tượng riêng, cảm xúc riêng - như một “món quà” giản dị và ý nghĩa gửi tặng những người làm chương trình.

 BTV Hạnh Phúc giới thiệu với Noor Tahir món bún chả Hà Nội
Richard Moore nổi tiếng là một chuyên gia phát triển bản sắc nhận diện thương hiệu và đã giúp cho rất nhiều thương hiệu ở Việt Nam phát triển thành công. Nhưng khi nhóm làm chương trình đến nhà thì mới biết ông còn nghiên cứu rất kỹ về lịch sử Việt Nam. Không chỉ tìm hiểu, suốt 10 năm nay ông đã viết một quyển sách nói về lich sử Việt Nam từ thời Hùng Vương đến năm 1930. Yêu văn hóa, yêu kiến trúc Hà Nội, ông đọc nhiều, ghi nhớ, sắp xếp và viết lại theo góc nhìn riêng của mình. “Mình thật sự xúc động khi đứng trước một người tâm đắc và tận tụy với đất nước, con người Việt Nam đến thế”- BTV Minh Ngân chia sẻ.

 Nữ họa sĩ Toba Mika là người theo đuổi nghệ thuật vẽ tranh khắc cổ của Nhật Bản. Sang Việt Nam từ năm 1994, cho đến nay chị đã được hơn 100 bức tranh. Toba yêu cuộc sống ở Việt Nam và chỉ vẽ độc tranh phong cảnh, bởi cuộc sống ở Việt Nam quá sinh động, không tĩnh lặng như ở Nhật Bản. Đó có thể là cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn nhưng cũng có thể là những bức tranh đời thường sống động như khu nhà ổ chuột trên sông Sài Gòn hay phố đường tàu chỗ Lê Duẩn - Khâm Thiên, rất tạm bợ nhưng lại đầy sức sống. “Gặp gỡ và nói chuyện với chị ấy mới thấy tình yêu của người ta dành cho Việt Nam sâu sắc như thế nào”- quay phim của nhóm kể lại.

 Một nhân vật nữa để lại khá nhiều ấn tượng cho ê-kip làm chương trình, đó là vợ chồng đại sứ Hungary tại Việt Nam. Hẹn nhóm phóng viên tại nhà riêng ở khu biệt thự Tây Hồ, hai vợ chồng khiến mọi người ngạc nhiên khi tiếp đón một cách rất nghi lễ và trang trọng: ông bà vận comple lịch sự, trên bàn bày biện thức ăn đặc trưng của Hungary, rượu đặc trưng của Hungary, bộ ấm chén, bát đĩa bày hết ra để mời khách. Trước khi về, nhóm còn được đề nghị ký tên vào quyển sổ những người đến thăm gia đình đại sứ, rất trịnh trọng. Những cảnh quay cuối ghi hình đôi vợ chồng già dắt tay nhau tình tứ đi dạo trên Hồ Tây khiến ai cũng phải xúc động. Cảnh rất thật và tự nhiên, không hề diễn hay gượng ép. Đến nỗi lúc kỹ thuật dựng hình đã phải thốt lên với biên tập: “Em phải tìm ngay cho anh một bài hát thật ý nghĩa để chuyển tải hết khung cảnh lãng mạn này”.

 Hạnh Phúc bật cười kể lại lần làm chương trình về anh Park Heong Seoung người Hàn Quốc. Anh là một nhà kinh doanh giỏi, lấy vợ người Việt và hiện đang sống tại Việt Nam. Park nói tiếng Việt chưa thạo lắm nên trong quá trình ghi hình, vợ anh đành phải đứng ngoài để “nhắc bài”, nhiều lúc anh nói lộn từ, sai cấu trúc khiến cả nhóm lại cười nghiêng ngả. Để “đền bù”, Park đã trổ tài nấu nướng của mình bằng cách hướng dẫn nấu một món ăn đặc trưng của người Hàn. Đương nhiên, sau khi ghi hình xong thì cả nhóm được đánh chén một bữa ngon lành.

Bernard Wang 
Sự chân thành, thân thiện Bernard Wang - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển Giáo dục Quốc tế đã khiến cho ê-kip làm chương trình rất xúc động và trân trọng. Ông nhớ tên từng học sinh và phụ huynh Việt Nam. Là giám đốc điều hành trong công ty nhưng ông sống giản dị, mọi người đều xem như một “người bác” vui tính, dễ gần. Hình ảnh vị giám đốc già đứng quây quần bên những cháu nhỏ, cùng nắm tay nhau hát vang bài hát khiến cả nhóm cũng phải xông vào… hát cùng. 

 Tình bạn không biên giới…

 Sau mỗi chương trình, họ trở thành bạn của nhau, có thời gian thì gặp gỡ, không thì thỉnh thoảng viết thư giữ mối liên lạc.

 “Bình thường trên báo chí, mình thấy người nước ngoài hay khen Việt Nam, nói những điều rất tốt. Nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với họ, lắng nghe những lời chân thành của họ, khen có, góp ý có, mình mới thấy họ thật sự yêu mến và mong muốn đất nước Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn”- Minh Ngân tâm sự. 

 Riêng Hạnh Phúc thì thấy những người bạn nước ngoài thật gần gũi và nhiệt tình. “Có xâm nhập vào cuộc sống của họ, đến tận nơi làm việc của, lắng nghe những lời đồng nghiệp nói về họ… mới thật sự hiểu thêm về con người cũng như tính cách của mỗi nhân vật mình gặp”. Thỉnh thoảng anh chàng lại tha thẩn dẫn một bác Tây đi nghe đàn môi, dẫn một anh Tây đi ăn bánh trôi tàu hay lượn lờ ở quán bún đậu mắm tôm.

 Sau khi thực hiện xong chương trình với anh chàng Favio người Ý có đam mê chơi vespa cổ, Nguyễn Nhung nghiễm nhiên trở thành một người bạn đặc biệt của Favio và thỉnh thoảng lại ríu rít rủ nhau ra cà phê vỉa hè ngồi tán phét.

 Vốn chơi với rất nhiều người bạn nước ngoài ngay cả trước khi tham gia làm chương trình “Ấn tượng Việt Nam” nên Nguyễn Nhung tin vào tình bạn không biên giới. Thậm chí Nhung chơi rất thân với Attila - anh bạn có bố là người Việt còn mẹ là người Hungary. Anh sang Việt Nam tìm bố và rồi quyết định ở lại Việt Nam công tác và sinh sống. Biết Attila khá rành về kỹ thuật dựng hình và quay phim, Nhung rủ rê cộng tác cùng để làm chương trình. Và sự kết hợp của hai người đã mang lại nhiều chương trình thành công với bản sắc riêng. Thỉnh thoảng, ở kênh VTC10 lại xuất hiện một “ông Tây” ngồi ở bàn, mải miết cắt cắt dựng dựng, ai nấy đều thấy ngạc nhiên và thú vị. Thông minh, lại có phong cách làm truyền hình hiện đại nên Attila khá được lòng mọi người. Lãnh đạo kênh cũng rất hài lòng và mong muốn mời Attila cộng tác với “Ấn tượng Việt Nam” một cách lâu dài. Chưa nói được tiếng Việt thuần thục nhưng là người vui vẻ, dễ gần, Attila nhanh chóng hòa đồng và được mọi người ở kênh yêu quý.

Hầu như với các chương trình của mình, Nhung đều độc lập tác nghiệp với Attila. Chính vì có nhiều bạn bè là người nước ngoài nên khi làm chương trình, Nhung không khó khăn mấy trong khâu tìm kiếm và liên hệ nhân vật.

 Trong quá trình xây dựng fomat chương trình, những người thực hiện cũng đã suy nghĩ làm thế nào để tạo ra phong cách riêng cho “Ấn tượng Việt Nam”. Bên cạnh những nhân vật nổi tiếng, VTC10 mong muốn khai thác được những con người có thể chưa quá nổi tiếng, họ là những con người thầm lặng, không xuất hiện nhiều tivi và cũng không nhiều người săn đón. Để cho những người nước ngoài hiểu rằng không cần cứ phải là thủ tướng, không cần là “Mr Quan Trọng”, chỉ cần họ là những người bình thường đang sống, làm việc và thực sự yêu quý Việt Nam thì sẽ luôn được chào đón…

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn