Trung tâm Chống độc và khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận 5 bà cháu bị ngộ độc trứng cá sấu hoả tiễn, vào viện trong tình trạng “miệng nôn trôn tháo”.
Bệnh nhân lớn tuổi nhất là bà Nguyễn Thị H., 62 tuổi, nhỏ nhất là 5 tuổi.
Bà H. cho biết, sáng 21/3, gia đình sang nhà người quen có trang trại nuôi cá ở Mê Linh, Hà Nội. Tại đây, gia đình được chiêu đãi món thịt cá sấu hỏa tiễn. Con cá dài khoảng 1,5m, nặng 20kg.
Đến chiều, gia đình có mang theo trứng cá sấu về đánh trứng, ăn bữa tối. Sau khi ăn khoảng 90 phút, các cháu và bà Hoa bắt đầu xuất hiện nôn, đau bụng và đi ngoài…
Bà H. vội lên mạng tìm hiểu, biết trứng cá sấu hỏa tiễn có độc, nguy hiểm nên cả gia đình lập tức đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây các bác sĩ thăm khám, khai thác bệnh sử, đánh giá lâm sàng và cho làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Sau khi xác định căn nguyên gây ngộ độc, bà Hoa được điều trị tại Trung tâm Chống độc, còn 4 cháu nhỏ (cháu bé nhất 5 tuổi, cháu lớn nhất 13 tuổi) được chuyển sang Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Sau 12 tiếng điều trị, hiện sức khỏe của bà H. và các cháu ổn định, hết các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đi ngoài.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, thịt cá sấu hỏa tiễn không có độc nhưng phần thịt quanh trứng chứa chất độc Ichthyotoxin.
Đây là một chất gây độc trên hệ tiêu hóa (gây buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy), hệ thần kinh (đau đầu, vã mồ hôi, chóng mặt, ù tai, co giật) và tim mạch (loạn nhịp tim, tụt huyết áp).
Trên thế giới mới ghi nhận 1 trường hợp ngộ độc loại độc này. Bệnh viện Bạch Mai từng ghi nhận một bệnh nhân tương tự.
Trên thực nghiệm các nhà khoa học cho chuột ăn trứng cá sấu hỏa tiễn thì chuột bị chết. Vì vậy, TS Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn trứng cá sấu hỏa tiễn và các bộ phận xung quanh trứng cá.
Cá sấu hỏa tiễn là loài cá cảnh mang bản tính hoang dã, ngoại hình đẹp, được rất nhiều người ưa chuộng. Loại cá này có tuổi thọ cao, mỗi lần đẻ có thể tới 150.000 trứng.
Bình luận