• Zalo

Ăn thịt chó, bị giun đũa đóng tổ phá nát não, gan

Sức khỏeThứ Tư, 23/07/2014 07:28:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nếu ăn gan nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín thì thời gian ủ bệnh có thể chỉ vài giờ.

(VTC News)- Nếu ăn gan nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín thì thời gian ủ bệnh có thể chỉ vài giờ. 

Giun chó chui vào gan làm tổ

Bà Trần T. T. (60 tuổi) ở Hà Nội đã phải cắt một phần lá gan vì nhiễm giun đũa chó gây áp xe gan. Bà có biểu hiện bị đau dạ dày. Người gầy, đau bụng, sốt nhẹ ngây ngấy. Bà cho rằng, ở tuổi này nên không còn khỏe, mệt là chuyện bình thường.

Bệnh phẩm gan lấy từ bệnh nhân nữ 57 tuổi bị ấu trùng giun đũa làm tổ. Ảnh: BS BV115
Đến khi được con đưa đi khám, bác sỹ phát hiện bà có ổ áp xe trong gan. Bác sỹ ngoại khoa chỉ định mổ, cắt bỏ chỗ áp xe vùng gan bị tổn thương.

Sau khi mang phần gan cắt bỏ đó đi giải phẫu bệnh lý, bác sỹ nghi ngờ ký sinh trùng có thể là giun chó nên chuyển ca bệnh đến Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TW.

TS-BS Nguyễn Thu Hương, Phó khoa ký sinh trùng, viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TW cho biết: Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân được đưa đến khám tại viện. Dù ổ áp xe đã cắt nhưng bệnh nhân vẫn còn kháng thể trong máu dương tính với ký sinh trùng giun đũa chó.

BS Hương nói: Giun đũa chó thường lây qua đường tiêu hóa do ăn phải trứng hay ấu trùng giun đũa chó.

Vào cơ thể, trứng hoặc ấu trùng di cư qua máu. Vì người không phải là vật chủ chính nên thông thường, ấu trùng sẽ chết và tạo ra ổ hoại tử, hủy hoại tế bào cơ thể người, đặc biệt tế bào gan.

Nếu phát hiện sớm, tổn thương gan nhỏ thì có thể điều trị nội khoa. Trường hợp gan bị tổn thương lớn, không thể điều trị nội khoa thì mới phải cắt bỏ.

Mới đây, Khoa Nhi, bệnh viện Nhiệt Đới TW vừa cấp cứu cho một bệnh nhân bị viêm não do giun đũa chó. Người nhà cho biết gia đình không nuôi chó mèo.

Cách đó vài hôm cháu có ăn nem chua với rau sống. Sau đó cháu bé kêu đau đầu kèm sốt. Gia đình cho cháu uống thuốc nhưng không đỡ. Lên bệnh viện xét nghiệm, các bác sỹ cho biết cháu bị viêm màng não do giun đũa chó.

Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thị Thoa - 47 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội cũng bị triệu chứng sốt, chán ăn, buồn nôn. Ban đầu chẩn đoán viêm não. Sau khi làm các xét nghiệm bác sỹ cho biết chị Thoa bị viêm não do giun đũa chó.

Người nhà của chị Thoa cho biết gia đình có nuôi chó mèo. Bác sĩ cho rằng có nhiều khả năng chị bị lây giun đũa chó từ chính việc sờ tay vào con chó hàng ngày.


Ăn thịt chó chưa chín, rau sống sẽ có nguy cơ nhiễm giun chó

Theo BS Hương, người nhiễm ấu trùng giun đũa chó và mắc  bệnh không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Một số bệnh nhân có biểu hiện gan to, sốt, có các triệu chứng của phổi như ho, đau ngực, đau bụng, khó tiêu; tăng globulin máu; tăng bạch cầu ưa a xít không thường xuyên.

Giun đũa chó trưởng thành
Trường hợp nặng, các triệu chứng có thể kéo dài hàng năm, các hội chứng viêm phổi, viêm nội nhãn, đau bụng mãn tính, rối loạn thần kinh khu trú có thể xảy ra do sự di trú của ấu trùng giun đũa toxocara, bạch cầu tăng và bạch cầu ái toan tăng có thể chiếm tới 80 - 90%.


Để xác định bệnh cần làm xét nghiệm huyết thanh học ELISA dùng kháng nguyên ấu trùng giun toxocara, độ nhạy từ 75 - 90%.

 BS Hương khuyến cáo: Người mắc giun đũa chó hay bị tổn thương vùng tế bào mà giun đũa di chuyển đến. Các tổn thương ở phổi có thể bị chẩn đoán nhầm với tổn thương ung thư. Các tổn thương ở võng mạc có thể nhầm với u nguyên bào võng mạc.

Chó là ổ chứa và là vật chủ chính của giun đũa chó (toxocara canis). Ổ chứa trứng giun là đất, nước nhiễm phân chó.

Trường hợp ăn gan nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín thì thời gian ủ bệnh có thể là vài ngày hoặc chỉ vài giờ.

Người nuốt phải trứng giun toxocara, khi đến ruột non trứng nở giải phóng ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột di chuyển đến gan. Từ gan, ấu trùng qua hệ tuần hoàn và bạch huyết di trú đến các tổ chức khác như phổi, nội tạng ở bụng, mắt... gây ra các tổn thương ở nội tạng.

Ấu trùng toxocara không thể phát triển thành giun trưởng thành trong cơ thể người và không thể tái lặp chu kỳ sống ở người. Ấu trùng có thể tồn tại trong các tổ chức nhiều năm nếu không được điều trị.

Để tránh bị nhiễm trứng, ấu trùng giun đũa chó, BS Hương tư vấn: Cần vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em.

Bạn nên rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch hoặc thịt chó chưa nấu chín.

Nếu nuôi chó, bạn nên tẩy giun cho chó. Với chó con, cần tẩy giun ngay từ 3 tuần tuổi, tẩy giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng tẩy một lần.

Nguyễn Tâm
Bình luận
vtcnews.vn