Ăn phải thịt chó dính bả ở quán: Trúng độc chết người, tự chịu

Thời sựThứ Sáu, 20/03/2015 08:15:00 +07:00

Các chuyên gia tỏ ra lo ngại cho sức khỏe người dân khi sử dụng thịt chó không rõ nguồn gốc tại các hàng quán ở khắp nơi trên cả nước.

(VTC News) – Các chuyên gia tỏ ra lo ngại cho sức khỏe người dân khi sử dụng thịt chó không rõ nguồn gốc tại các hàng quán ở khắp nơi trên cả nước.

Điều đáng lo ngại là, những con chó thui, những miếng thịt chó vàng rộm được bày bán tại các địa điểm nói trên có nguồn gốc từ đâu, có phải do trộm cắp, có phải được chế biến từ những con chó chết, chó dính bả độc hay không… thì chẳng ai có thể biết được ngoài chủ quán?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế. Ông Trung cho biết, việc ăn thịt chó hay không là quyền của mỗi người, các cơ quan chức năng không thể cấm được điều này.

Ăn thịt chó không rõ nguồn gốc là cực kỳ nguy hiểm
Tuy nhiên, ông Trung cũng tỏ ra lo ngại trước thực trạng thịt chó được bày bán ở khắp nơi. Trong khi đó, hiện nước ta chưa có quy định chung, cụ thể về việc giết mổ thịt chó. Chính vì vậy, khi mua và ăn phải những con chó không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này là rất nguy hiểm.

Clip: Trộm chó ngất xỉu vì bị dí điện, đánh hội đồng


Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương cảnh báo người dân rằng, nếu chẳng may ăn thịt chó mà người dân bị ngộ độc thì rất khó để cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi.

 

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của nước ta bây giờ rất kém. Khi đã xảy ra vấn đề ngộ độc thì người chịu thiệt trước hết là người tiêu dùng.
Bà Vũ Thị Bạch Nga
 
Theo bà Nga, hiện nay, luật của chúng ta nghe qua thì rất nghiêm nhưng nhiều khi áp dụng vào thực tế thì nhiều trường hợp rất khó xử lý.

Tất cả những gì gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì đều được bảo vệ. Nhưng người tiêu dùng phải chứng minh được là mình sử dụng sản phẩm đó mà bị hại.

Trên lý thuyết, nếu ăn thịt chó mà bị ngộ độc thì người tiêu dùng có thể khởi kiện và người bán thịt chó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, muốn được bảo vệ quyền lợi thì người bị ngộ độc phải chứng minh được là đã ăn thịt chó do ai bán, tại quán nào, phải có hóa đơn chứng từ.

“Vấn đề nan giải là chúng ta đi mua thịt chó tại các chợ, hay ăn thịt chó tại các hàng quán thì mấy khi có hóa đơn chứng từ. Chính vì vậy, cơ quan pháp luật muốn bảo vệ cho những trường hợp này là cực kỳ khó.

Hàng ngàn con chó bị giết hại mỗi ngày trong cả nước, nhưng không một cơ quan chức năng nào quản lý nguồn gốc của chúng từ đâu ra? 
Cho dù mang đi kiểm nghiệm cho kết quả đúng là miếng thịt chó đó độc nhưng người mua không có hóa đơn hay giấy tờ chứng chứng minh được là đã mua ở quán. Trong khi người bán cứ chối là không phải thịt của họ thì biết làm sao được”, bà Nga cho hay.

Bà Nga lấy một ví dụ điển hình, mới đây, ở Bến Tre có trường hợp 2 mẹ con mua bánh mỳ ăn rồi bị ngộ độc. Các nạn nhân phải nhập viện để được rửa ruột cấp cứu. Sau đó, 2 mẹ con này cũng khởi kiện và ra tòa. Tuy nhiên, nạn nhân đã thua kiện vì không có giấy tờ chứng minh được là đã mua bánh mỳ ở quán đó.

Video: Cận cảnh nhà hàng thịt chó ở Hà Nội


“Quán này từng bị xử phạt vì bán bánh mỳ có độc, gây ngộ độc cho nhiều công nhân ở công ty gần đó. Nhiều người dân cũng nói là 2 mẹ con cô kia mua bánh mỳ tại quán này rồi bị ngộ độc. Nhưng khi ra tòa, chủ quán chối không phải bánh mỳ của họ.

Nạn nhân cũng không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh được mình đã mua bánh mỳ ở quán này. Chính vì vậy, họ đã thua kiện. Chúng tôi cũng không làm gì hơn được đối với các trường hợp như vậy”, bà Nga nói.

Bà Nga cho rằng, thịt chó cũng là một loại thực phẩm bình thường, cũng là thói quen tiêu dùng của người Việt Nam bình thường. Nhưng vấn đề không chỉ riêng thịt chó mà tất cả các mặt hàng khách đều trong tình trạng rất khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà nước hiện nay cũng không thể có các biện pháp gì mà kiểm tra toàn bộ được.

“Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của nước ta bây giờ rất kém. Khi đã xảy ra vấn đề ngộ độc thì người chịu thiệt trước hết là người tiêu dùng. Bởi vậy, người tiêu dùng phải tự biết bảo vệ mình, phải nâng cao ý thức của mình, phải lựa chọn thực phẩm sao cho an toàn”, bà  Nga nói.

Từ thói quen ăn thịt chó không rõ nguồn gốc của người Việt, những cẩu thặc như thế này xuất hiện ngày càng nhiều. Trong ảnh một cẩu tặc bị người dân vây đánh ở Bắc Giang.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển - nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng, trong điều kiện hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được chặt chẽ vấn đề giết mổ, mua bán thịt chó thì người tiêu dùng cần phải biết tự bảo vệ mình.

Trước hết, người dân cần thực hiện những nguyên tắc cơ bản khi mua, sử dụng thực phẩm để đảm bảo vệ sinh như ăn đồ ăn đã được chế biến kỹ, kiên quyết không sử dụng thịt chó hay bất cứ một loại thực phẩm nào mà chúng ta không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Nguyễn Trần Hiển cũng cho rằng, nhà nước cần phải có biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát vấn đề giết mổ, mua bán thịt chó tràn lan hiện nay.

Clip: Trộm chó bị trăm người đánh 'bán sống bán chết'

Đà Long
Bình luận
vtcnews.vn