Như VTC News đã có bài phản ánh, ngày 8/10/1998, Tòa hình sự, TAND Tối cao đưa ra xét xử giám đốc thẩm vụ án hình sự “trộm cắp tài sản công dân” đối với ông Nguyễn Hồng Cầu. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, HĐXX tuyên: “Nguyễn Hồng Cầu không phạm tội “trộm cắp tài sản của công dân” và đình chỉ vụ án hình sự đối với Nguyễn Hồng Cầu”.
Đồng thời, những thắc mắc về phần dân sự như: công cày bừa, sản lượng lúa... nếu có khiếu kiện thì sẽ được giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác. Sau khi được minh oan, ông Nguyễn Hồng Cầu đã làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng gây nên vụ án oan sai phải bồi thường những tổn thất gây ra cho ông. Tuy nhiên, những yêu cầu này của ông Cầu đã không được giải quyết.
Thiệt hại lớn, bồi thường nhỏ?
Năm 2004, sau khi có Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc: “Bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra”, ông Cầu tiếp tục làm đơn đòi bồi thường thì mới được TAND TP Hải Phòng xem xét giải quyết trên tinh thần thương lượng mức bồi thường đối với ông Cầu.
Tuy nhiên, do không thống nhất được nên ông Cầu vẫn tiếp tục ‘nằm gai nếm mật’ để đi gõ cửa, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.
Do nhận thức của các thẩm phán còn hạn chế đã đẩy người nông dân vào vòng lao lý suốt 16 năm vì tội 'trộm cắp tài sản' ở chính mảnh ruộng của mình - Ảnh Minh Khang |
Tổng số tiền ông Cầu đòi bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần trực tiếp và gián tiếp gồm 8 khoản, với số tiền trên 648 triệu đồng, như: Bồi thường tổn thất về tinh thần hơn 15 triệu đồng; bồi thường thiệt hại về vật chất gần 200 triệu đồng; thu nhập thực tế bị mất 49 triệu đồng; nhà và xưởng mộc bị cháy trong thời gian ông Cầu bị tạm giam, gần 79 triệu đồng...
Tuy nhiên, cả 2 phiên tòa xét xử tuyên, ông Cầu chỉ được TAND TP Hải Phòng bồi thường số tiền là 17.377.000 đồng. Trong đó, bồi thường tổn thất về tinh thần = 15.659.900 đồng; bồi thường do thu nhập thực tế bị mất là 1.718.000 đồng.
Đồng thời, TAND TP Hải Phòng phải công khai xin lỗi ông Cầu bằng hình thức: Đăng trên một tờ báo Trung ương 3 số liên tiếp và xin lỗi ông Cầu tại địa phương trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án có hiệu lực pháp luật.
16 năm trời tù oan, đơn từ chất đống mà ông Cầu vẫn chưa được 'mát lòng mát dạ' vì được bồi thường chưa thỏa đáng - Ảnh Minh Khang |
Người gây vụ án oan ‘không sao cả’
Không những bức xúc về việc thu thập chứng cứ, tính toán bồi thường thiệt hại chưa thỏa đáng, điều khiến ông Cầu quyết khiếu nại đến cùng là vì những người gây ra vụ án oan sai cho ông đến nay vẫn không bị sao cả, người nghỉ hưu, người tại vị, người thì ‘thăng quan tiến chức’.
Ngày 15/11, làm việc với TAND TP Hải Phòng, chúng tôi được biết tháng 9/2008, TAND TP Hải Phòng đã có công văn đề nghị Báo Nhân dân đăng tin TAND TP Hải Phòng công khai xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu, người bị kết án oan (3 số liên tiếp từ ngày 25, 26, 27/8/2008).
Còn việc xử lý đối với cán bộ, thẩm phán xử sai ông Nguyễn Hồng Cầu, thời điểm quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao tuyên bố ông Nguyễn Hồng Cầu không phạm tội, các thẩm phán trong Hội đồng xét xử (thuộc TAND TP Hải Phòng - PV) đã có thiếu sót do nhận thức của các thẩm phán còn hạn chế.
TAND TP Hải Phòng đã xem xét trách nhiệm các thẩm phán xét xử oan sai đối với ông Nguyễn Hồng Cầu. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các thẩm phán trong Hội đồng xét xử đã nghỉ hưu nên TAND TP Hải Phòng không xem xét xử lý nữa.
Trong những ngày vừa qua, nhóm phóng viên đã đến gõ cửa các cơ quan chức năng liên quan của huyện Tiên Lãng, được biết: Hầu hết các cán bộ có liên quan đến vụ án oan sai nói trên, người đã nghỉ hưu, người chuyển công tác khác, người còn đang tại vị, người được thăng chức... tất thảy đều ‘không sao cả’ như lời ông Cầu đã phản ánh.
Trụ sở UBND xã Đông Hưng, nơi làm việc của những cán bộ góp phần gây nên vụ án oán 16 năm về trước - Ảnh Minh Khang |
Khi nhóm phóng viên liên hệ đến làm việc thì đều nhận được sự bất hợp tác cung cấp thông tin về vụ việc. Người thì cho rằng ‘lâu rồi quên không nhớ’; người thì thoái thác vì đã chuyển công tác khác hoặc ‘hồ sơ đã chuyển lên cấp trên’.
Thậm chí, khi phóng viên đặt câu hỏi: Việc nhà ông Cầu bị cháy ông có biết không? Ông Nguyễn Tiến Chinh - Chủ tịch UBND xã Đông Hưng trả lời: ‘Không biết là có hay không, để tôi còn xem lại đã'.
Hay việc, khi ông Cầu bị bắt, Công an xã cho người xuống xúc thóc mà không có lệnh khám nhà, không lập biên bản số lượng thóc lấy đi, ông Chủ tịch xã nói thẳng: ‘Hồ sơ bàn giao cho huyện không còn ở xã nên không trả lời được’.
Kỳ tiếp theo: Đằng sau 16 năm oan sai ở Hải Phòng là gì?
Minh Khang
Bình luận