(VTC News) - Chính quyền sở tại là người gây nên án oan đầu tiên cho ông Cầu nhưng lại phủi trách nhiệm của mình và đồ thừa cho cấp trên.
Sau khi VTC News có loạt bài phán ánh về vụ việc ông Nguyễn Hồng Cầu, SN 1964 (thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng) bị án oan ngồi tù 70 ngày, suốt 16 năm qua đi khiếu nại đòi bồi thường tổn thất do cơ quan chức năng gây nên, phóng viên đã về làm việc với chính quyền sở tại để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến việc ông Cầu bị oan.
Mảnh ruộng gia đình ông Cầu 'gặt lúa trừ nợ' là nguồn cơn gây nên vụ án oan - Ảnh Minh Khang |
UBND xã Đông Hưng đã có văn bản trả lời một số nội dung liên quan mà chúng tôi đã nêu.
"Sau khi sự việc xảy ra đối với ông Nguyễn Hồng Cầu, UBND xã Đông Hưng đã báo cáo toàn bộ sự việc lên Công an huyện Tiên Lãng và Công an huyện Tiên Lãng đã tiếp nhận và xử lý theo thẩm quyền.
Từ đó đến nay địa phương không nhận được thông tin gì có liên quan đến ông Nguyễn Hồng Cầu bị oan sai... Trách nhiệm này thuộc các cơ quan tố tụng, địa phương không nhận được văn bản nào để giải quyết vụ án của ông Nguyễn Hồng Cầu” - Công văn của UBND xã Đông Hưng nêu rõ.
Điều này một phần cũng khớp với nội dung trả lời của TAND TP Hải Phòng vì sau khi bị oan sai suốt 16 năm qua, TAND TP Hải Phòng chưa tổ chức xin lỗi công khai ông Cầu tại địa phương.
Việc nhà, xưởng mộc của gia đình ông Cầu bị cháy sau khi ông Cầu bị bắt tạm giam, chính quyền xã Đông Hưng khẳng định: “Không có xưởng mộc, cũng không bị cháy”.
Tuy nhiên, trong một số văn bản của các cơ quan tố tụng có nêu cũng như xác nhận của một số người dân tại địa phương thì đều khẳng định ông Cầu có xưởng mộc và đã bị cháy sau khi ông Cầu bị bắt tạm giam.
Tại bản án phúc thẩm ngày 6/8/1997 của TAND TP Hải Phòng nêu: “Chính quyền địa phương đã đến gia đình Nguyễn Hồng Cầu thu giữ 9 bao thóc có trọng lượng 261 kg trả lại cho anh Phạm Minh Tuân và dẫn giải Nguyễn Hồng Cầu về Công an huyện Tiên Lãng giải quyết”.
Tuy nhiên, UBND xã Đông Hưng lại khẳng định: “Việc thu hồi thóc của gia đình ông Cầu thuộc thẩm quyền của cơ quan tố tụng”.
Dư luận đặt câu hỏi, việc chính quyền địa phương tự ý đến nhà ông Cầu xúc thóc rồi ngay sau đó đem trả cho anh Phạm Minh Tuân (người có lúa bị gia đình ông Cầu gặt trừ nợ) liệu có đúng quy định của pháp luật.
70 ngày tù oan, 16 năm ông Cầu đi đòi bồi thường đến nay vẫn chưa có hồi kết - Ảnh Minh Khang |
Một nội dung khác có liên quan đến vụ án oan của ông Cầu: “Nguyên nhân khiến gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh trên có lẽ do tôi đã vô tình phát hiện ra một số cán bộ lúc đó đã tham ô, tham nhũng về khoản tiền di dãn dân ra vùng kinh tế mới.
Ở đây, lẽ ra mỗi hộ được trợ cấp là 2,7 triệu đồng nhưng thực tế mỗi hộ chỉ được nhận 200.000 đồng. Tuy nhiên, còn có những hộ có tên nhưng không được nhận đồng nào. Vậy xin hỏi số tiền này đã chạy đi đâu? Tôi đã làm đơn gửi lên cấp trên về khoản tiền này để điều tra việc tham nhũng hàng tỉ đồng của Nhà nước” - Nội dung đơn ông Cầu phản ánh.
Nhưng từ sau ngày ông Cầu bị bắt cho đến nay cũng chưa có cơ quan nào trả lời về những kiến nghị ông Cầu nêu hồi đó.
Minh Khang
Bình luận