Ngày 4/11/2013, tại trại giam Vĩnh Quang – Tổng Cục 8 Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã công bố quyết định tạm đình chỉ thi hành án với phạm nhân đang thụ án chung thân về tội giết người, ông Nguyễn Thanh Chấn, nguyên quán thôn Me xã Việt Trung huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Tại sao lại xảy ra việc oan sai tầy đình cho một công dân suốt hơn 10 năm mới được soi xét đến???
Công an phá án bằng dấu … chân “gần đúng”
Ngày 15/8/ 2003 tại thôn Me xã Việt Trung huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang, nhân dân phát hiện chị Nguyễn Thị Hoan bị giết rất dã man.
Kết quả giám định pháp y số 553/PY ngày 20/8/2003 của Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang kết luận: các vết thương trên cơ thể nạn nhân là do ngoại lực tác động; vật tác động là vật tày, vật sắc gọn và vật nhọn, lưỡi sắc.
Chị Nguyễn Thị Hoan chết do chấn thương đầu, mặt, vết thương ở bụng làm đứt động mạch mạc treo, chảy máu và mất máu dẫn đến sốc trụy tim mạch cấp, chết sau bữa ăn cuối cùng khoảng 30’ đến 2 giờ đồng hồ. Hiện trường vụ án có nhiều dấu chân dưới nền nhà, dấu vết tay có máu trên cửa, trên thanh sắt cài cửa hậu, dấu vết trên công tắc điện…
Đồng chí Vũ Đăng Khoa - Cục trưởng Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chia sẻ với anh Nguyễn Thanh Chấn |
Một trong các bằng chứng Cơ quan điều tra đã kết luận ông Chấn là kẻ giết người là dựa trên dấu chân để lại hiện trường. Trong số các dấu chân trên có hai vết chân trái dài 23cm, rộng 8,6cm và một vết chân phải dài 23,5cm rộng 9cm.
Kết quả đo bàn chân của ông Chấn cho thấy chân trái ông Chấn dài 22cm, rộng 8,8cm, chân phải dài 23cm, rộng nhất 9,6 cm. Thế nhưng kết quả trên cũng được Tòa án đồng ý và coi đó là một trong những bằng chứng để buộc tôị anh Chấn với lí luận “Khi so sánh và đối chứng với kết quả xác định dấu chân của Nguyễn Thanh Chấn thuộc diện nghi vấn, về kích thước cơ học của hai dấu bàn chân bên phải và bên trái gần đúng kích thước những dấu vết để lại tại hiện trường của vụ án mạng đêm 15/8/2003”
Tòa trọng chứng hay trọng cung?
Về tiêu thụ thời gian của Nguyễn Thanh Chấn trong buổi tối ngày 15/8/2003 cũng chưa được làm rõ, lời khai nhận của bị cáo và lời khai của các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn.
Tòa sơ thẩm căn cứ vào lời khai các nhân chứng Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Hữu Đồng, Thân Văn Bảo và chị Hoàng Thị Viễn: “Vào lúc 19h30 Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn múc nước tại giếng nước nhà chị Hoàng thị Viễn, khoảng thời gian 20 phút từ 19h đến 19h25 Nguyễn Thanh Chấn đi đâu làm gì với ai thì bị cáo hoàn toàn không chứng minh được” để cho rằng đó chính là thời gian Chấn gây án là chưa đủ căn cứ.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/7/2004, nhân chứng Phạm Thị Nhâm và Nguyễn Văn Thực vẫn tiếp tục khẳng định và xác nhận khoảng 19h20 ngày 15/8/2003 bà Nhâm ra quán anh Chấn mua hàng thì gặp anh Thực vào gọi điện thoại ở quán, anh Chấn là người bấm máy cho anh Thực gọi, lúc đó trong quán còn có ông Quyền đến mua mắm.
Anh Thực cũng xác nhận khoảng 19h30 anh gọi điện tại quán nhà anh Chấn, anh Chấn bấm máy cho anh gọi số máy 566.... Trong phần tranh tụng, luật sư của anh Chấn đã trình Bảng kê điện tử, tự động thanh toán tiền điện thoại do Bưu điện cung cấp, thể hiện trong ngày 15/8/2003 từ số máy thuê bao nhà Nguyễn Thanh Chấn có cuộc gọi đi cho máy mang số 566… với thời lượng từ 19h19’51” đến 19h20’31”.
Giây phút anh Chấn mặc lại chiếc áo của tự do sau 10 năm bị giam giữ oan sai |
Nhưng Tòa đã bác bằng chứng này với lí do “cho dù tính khách quan và khoa học của bảng kê điện tử kể trên là không ai có thể phản bác hoặc phủ nhận về cuộc đàm thoại đã được ghi nhận, tuy nhiên tài liệu này không thể là bằng chứng khẳng định vào thời điểm thực hiện cuộc gọi Nguyễn Thanh Chấn là người bấm máy. Còn lời khai của bà Nhâm, ông Thực về việc Chấn bấm máy cũng không có tài liệu nào khác hơn để kiểm chứng”.
Nếu Tòa đã xác định như vậy thì bà Nhâm, ông Thực đã bị xử lí vì tội làm chứng gian dối trước Tòa chứ không thể bỏ qua như vậy được. Vậy câu hỏi Tòa phúc thẩm trong phiên xét xử này trọng chứng hay trọng cung đã rõ, Tòa không trọng cả hai.
Nghi vấn bức cung của Cơ quan điều tra
Tại sao một người dân bình thường, được đánh giá hiền lành, chịu khó, nhân thân tốt, con liệt sĩ lại có thể khai nhận và kí vào các bút lục nhận tội giết người dã man, tàn bạo? Tại sao đã nhân tội rồi, ra hai cấp Tòa đều phản cung rồi liên tục kêu oan suốt mười năm?
Theo chị Thân Thị Hải, họ hàng của anh Chấn, người có công lớn nhất trong việc kêu oan cho anh Chấn: “Sau khi tôi đưa gia đình anh Chấn vào gặp anh lần đầu tiên sau 1 tháng bị bắt, anh Chấn có kêu anh bị oan.
Tôi hỏi oan sao lại kí vào bản khai nhận tội thì anh Chấn có nói: Em bị ép cung, điều tra viên đánh đập, ép cung, dọa nếu Em không kí sẽ bị đầu gấu trong trại đánh chết. Sau đó em được Điều tra viên hướng dẫn khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường, được luyện tập nhiều lần để thực nghiệm điều tra”.
Vấn đề này đến nay mới chỉ là lời khai từ anh Chấn và gia đình. Để trả lời câu hỏi này cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ những biện pháp điều tra của Cơ quan điều tra tỉnh Bắc Giang trong đấu tranh chống tội phạm. Dư luận cần một câu trả lời chí công, vô tư trả lại nỗi oan khuất tày trời của anh Chấn, củng cố lòng tin của Nhân dân vào Công lí, vào Đảng, Chính quyền.
Theo BVPL
Bình luận