Những ngày cuối năm 2013, ông Chấn đang tất bật với công việc xát gạo của mình. Chiếc máy xát bà Nguyễn Thị Chiến vẫn giữ lại kể từ ngày ông bị bắt vào năm 2003. Bà bảo, đây là tài sản có giá trị nhất trong gia đình, là chiếc máy hằng ngày ông Chấn vẫn làm việc, bà tin ông Chấn bị oan và sẽ trở về lao động bên chiếc máy đó.
Ông Nguyễn Thanh Chấn và bà Nguyễn Thị Chiến xem lại những trang nhật ký cảm động của con gái (Ảnh: Hà Minh)
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, ông Chấn chia sẻ về cuốn sổ nhật ký của người con gái Nguyễn Thị Quyền (SN 1984, con gái thứ 2 của ông Chấn) viết cách đây gần chục năm, vào thời điểm mà ông bị bắt giam được 2 năm.
Ông Chấn xúc động: “Cách đây gần một tháng, tôi dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho Tết Giáp Ngọ, thì thấy một cuốn sổ bìa cứng ở trong chiếc túi bóng treo ở cột nhà. Mở ra xem thì chảy nước mắt, đó là những dòng chữ mà cô con gái đầu viết cho tôi từ những năm tháng tôi còn ngồi tù”.
Ông Chấn đau đáu khi nghĩ về con gái nơi đất khách quê người (Ảnh: Hà Minh)
Những dòng nhật ký của con gái mà ông Chấn vô tình tìm lại được, nhắc nhở về những cái Tết u buồn của gia đình ông:
“Ngày 2/1/2005
Hôm nay là ngày mùng 2 Tết. Đây là cái Tết thứ hai bố xa nhà rồi bố ơi. Đêm qua, con đón giao thừa một mình ngoài cửa, con đã khóc rất nhiều. Khi ấy pháo hoa ở phía xa rực trời.
Ở trong tù, không biết bố có được đón giao thừa không nữa. Bây giờ thì con chẳng thể làm gì được, chỉ thầm cầu mong cho bố khỏe mạnh, sớm trở về với gia đình. Bố ơi, bố có nghe thấy lời con nói không. Con nhớ bố nhiều lắm!”.
Những dòng chữ con gái ông Chấn viết gửi bố vào Tết năm 2005 (Ảnh: Hà Minh)
Chị Quyền đếm từng ngày khi bố phải vào tù. Trong những dòng nhật ký của mình, chị viết: “Vậy là bố đã xa nhà, xa gia đình, xa quê hương, xa chúng con bao nhiêu giờ bố biết không? 1 năm 10 tháng rồi bố ạ. Thế mà con cảm thấy dài đằng đẵng như mấy năm rồi ấy”.
“Giờ năm hết Tết đến, nhà nhà chuẩn bị Tết, dù biết năm nay sẽ vui hơn những năm trước, nhưng rất nhớ con gái ở đất khách quê người. Cháu nó hi sinh tuổi xuân làm kinh tế phụ mẹ nuôi em, tiếp tế và kêu oan cho bố. Giờ ngày tôi được đón Tết cùng gia đình sau 10 năm thì cháu chưa về được. Nghĩ đến cháu, tôi lại chảy nước mắt”, ông Chấn nghẹn ngào nói.
Được minh oan, được đoàn tụ với gia đình, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo đối với ông Chấn. Có lẽ ông vẫn tự dằn vặt, vì ông mà con gái phải xa phương lập nghiệp, để đến giờ, ngày Tết cũng không thể tụ họp với gia đình. Điều ông mong mỏi nhất bây giờ là cô con gái đang lao động ở nước ngoài sớm trở về.
Quyết làm ô sin kêu oan cho bố
Đó là lời nói mà chị Nguyễn Thị Quyền nói với mẹ vào thời điểm tòa tuyên ông Chấn chịu án tù chung thân vì tội Giết người. Biết bố bị oan, chị Quyền quyết tâm đi làm ô sin, kiếm tiền để phụ mẹ đi kêu oan cho bố. Sau đó, chị xin vào một công ty may ở Bắc Giang làm việc.
Những dòng chữ cảm động của chị Quyền viết vào những năm ông Chấn đang thụ án (Ảnh: Hà Minh)
Cả nhà động viên chị Quyền lấy chồng cho ổn định cuộc sống, nhưng chị một mực không chịu, nói rằng chừng nào bố chưa được minh oan thì chị chưa yên tâm để lấy chồng, phải làm việc kiếm tiền phụ bà Chiến tiếp tế, kêu oan cho ông Chấn.
Nay, ông Chấn đã được trả tự do, con gái vẫn đang mưu sinh nơi xứ người (Ảnh: Hà Minh)
Ngày ông Công ông Táo, chị Quyền gọi điện về chúc sức khỏe cả gia đình và dặn dò để mọi người yên tâm.
Bà Nguyễn Thị Chiến vẫn ngày đêm mong ngóng con về đoàn tụ cùng gia đình. “Do điều kiện nên cháu Quyền chưa thể về trong Tết được. Đợi đến ra năm, cháu sẽ sắp xếp về thăm bố và gia đình. Kể từ ngày đi lao động ở nước ngoài, hai bố con chưa được nhìn mặt nhau” bà Chiến chia sẻ.
Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, người dân thôn Me ra vào kín cổng chúc mừng gia đình ông Chấn có cái Tết đúng nghĩa sau 10 năm. Họ cũng không quên gửi lời chúc tới chị Quyên đang lao động ở nơi xứ người và mong chị sớm thu xếp về thăm gia đình.
Bình luận