• Zalo

Án oan chấn động: Ai phải bồi thường cho ông Chấn?

Pháp luậtThứ Tư, 06/11/2013 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Luật sư cho rằng “trong tố tụng dù vẫn biết có oan sai nhưng đây là sự sai lầm quá trầm trọng trong tố tụng Hình sự”.

(VTC News) – Luật sư cho rằng “trong tố tụng dù vẫn biết có oan sai nhưng đây là sự sai lầm quá trầm trọng trong tố tụng Hình sự”.

Liên quan đến việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) tù chung thân tội giết người, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Triệu Trung Dũng, Trưởng Văn phòng Luật Triệu Dũng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

- Luật sư đánh giá thế nào về tính chất và mức độ oan sai trong vụ án này?

Trong tố tụng, dù vẫn biết có oan sai nhưng đây là sự sai lầm quá trầm trọng trong tố tụng Hình sự. Sai lầm đó làm cho ông Chấn phải chịu nỗi oan khuất tày đình với tội danh giết người và bị tù oan tới hơn 10 năm trời, thật là ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

- Theo quy định của pháp luật, người bị kết án oan sai sẽ được bồi thường về vật chất và tinh thần như thế nào?


Trong trường hợp ông Chấn bị oan sai, thì theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT, ông Chấn sẽ được bồi thường như sau:

1/ Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất của ông Chấn theo quy định tại điều 46  Luật TNBTCNN:


Ông Chấn có thu nhập mà xác định được thì được bồi thường theo thu nhập thực tế bị mất.

Nếu ông Chấn có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra.

 Ông Chấn (áo trắng) trong phút nhận quyết định tạm đình chỉ thi hành án.
Ảnh: BVPL
Nếu ông Chấn có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. 
Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường (sau đây gọi chung là lương tối thiểu)”.

2/ Thiệt hại do tổn thất về tinh thần (khoản 2, khoản 4 Điều 47 là Luật TNBTCNN):


Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá ba mươi tháng lương tối thiểu”.

3/ Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm trong trường hợp tài sản của ông chấn bị xâm phạm (nếu có) thì theo quy định tại điều 45 Luật TNBTCNN và Thiệt hại về vật chất trong trường hợp ông Chấn bị tổn hại về sức khoẻ (nếu có) thì theo quy định tại điều 49 luật nêu trên.

- Ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra án oan sai trong vụ việc này?

Theo quy định thì người phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc xảy ra vụ án oan sai này là những người có thẩm quyền và người tiến hành Tố tụng trong thời điểm đó như: Điều tra viên, Thủ trưởng hoặc phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra của tỉnh Bắc Giang ký các quyết định; 
Kiểm sát viên và lãnh đạo của Viện Kiểm sát đã phê duyệt việc truy tố sai; Thẩm phán, hội thẩm, lãnh đạo Tòa án cấp sơ thẩm; Hội đồng Thẩm phán xét xử phúc thẩm và lãnh đạo Tòa Phúc thẩm TAND tối cao chỉ đạo trực tiếp xét xử vụ án của ông Chấn.
 Ông Chấn (người thứ 2 từ trái sang) trở về trong niềm xúc động của người dân.
- Theo Luật sư, trong phiên tòa tái thẩm ngày 6/11, Tòa án cần làm rõ những vấn đề gì và trình tự thủ tục tố tụng như thế nào để giải quyết công bằng vụ án?


Tôi cho rằng, phiên tòa tái thẩm phải thực hiện mấy điều sau đây:

Một là, phải làm rõ việc Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng như thế nào để làm cho vụ án bị xét xử sai như: Việc không xem xét lời khai của các nhân chứng, chứng cứ khoa học của luật sư đã đưa ra bị bỏ qua như thế nào.

 
Trong tố tụng, dù vẫn biết có oan sai nhưng đây là sự sai lầm quá trầm trọng trong tố tụng Hình sự. Sai lầm đó làm cho ông Chấn phải chịu nỗi oan khuất tày đình với tội danh giết người và bị tù oan tới hơn 10 năm trời, thật là ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.
Luật sư Triệu Trung Dũng
 
Hai là, vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật như: việc giám định dấu vết bàn chân không khớp nhưng vẫn bị ép để dùng làm chứng cứ chứng minh tội phạm ra sao…


Ba là, thông báo và xác minh về việc đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận là hung thủ giết chị Hoan như thế nào…

Theo bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 thì trình tự thủ tục tố tụng tái thẩm được tiến hành theo quy định từ điều 290 đến điều 300 của bộ luật và các điều 280, 281, 282 và 283 cũng được áp dụng để xét xử Tái Thẩm.

Ví dụ như: Phiên tòa phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp. Khi xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa …

- Những năm qua, nước ta thường xuyên xảy ra những vụ án oan sai gây ra nỗi đau lớn cho nhiều người và dư luận bức xúc, theo Luật sư có những nguyên nhân chính nào dẫn tới thực trạng này? Pháp luật Việt Nam cần phải thay đổi như thế nào để giảm thiểu tình trạng trên?

Tôi cho rằng, nguyên nhân của điều đó là do tình trạng mớm cung, ép cung, dụ cung hoặc bức cung còn diễn ra ở một số nơi, quá trình điều tra, truy tố không có cơ chế giám sát chặt chẽ và luật sư không được thông báo, không được tham gia đầy đủ quá trình điều tra, truy tố như: khi lấy cung bị can và các hoạt động điều tra để theo dõi quá trình điều tra, truy tố đã tiến hành đúng luật chưa? Bị can chưa có quyền im lặng không phải khai báo khi chưa có luật sư!

Tôi nhớ là có ai đó đã nêu trên báo: luật sư cả nước còn ít hoặc luật sư hay bận nên quá trình điều tra không thể chờ luật sư. Nhưng thực tế đâu phải vậy, đến hơn 50% luật sư hiện nay không có đủ việc làm, không sống được bằng nghề mà phải làm thêm nghề khác để kiếm sống.

Trong khi đó, có ý kiến của Liên đoàn luật sư Việt nam đã nêu: để luật sư thường trực tại các cơ quan Cảnh sát Điều tra trợ giúp pháp lý cho người bị triệu tập, bị can thì không được chấp thuận. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến án oan sai.

Để xóa bỏ được tình trạng nêu trên thì Nhà nước cần có quy định về việc giám sát quá trình điều tra chặt chẽ, cho phép bị can có quyền im lặng không khai báo để chờ luật sư và thể chế thành luật các đề xuất phải có luật sư tham gia vào vụ án từ tội danh ít nghiêm trọng đến tội danh đặc biệt nghiêm trọng thì các biên bản lời khai, hoạt động điều tra, truy tố khác mới được coi là hợp pháp (trừ nhóm tội về an ninh quốc gia đã có quy định cụ thể), chứ không phải chỉ những vụ án với khung hình phạt cao nhất là tử hình và vụ án có người vị thành niên phạm tội mới bắt buộc có luật sư tham gia thì chưa thể tránh được còn xảy ra án oan sai.

Pháp luật Việt Nam cần cải cách tư pháp sâu rộng hơn nữa như chấp thuận các đề xuất tách riêng cơ quan Công tố (truy tố) khỏi Viện Kiểm sát để Viện Kiểm sát đúng là cơ quan giám sát việc thi hành pháp luật.

Cải cách Tòa án thành mô hình theo nền tư pháp của các nước tiên tiến là có bồi thẩm đoàn, trong đó Thẩm phán chỉ duy trì phiên tòa xét xử và công bố bản án của bồi thẩm đoàn. Thanh tra, điều tra, xem xét lại các vụ án có dấu hiệu đầy đủ về chứng cứ buộc tội.

Như vậy, mới tránh được lãng phí tiền đền bù của Nhà (bởi vì nếu người tiến hành tố tụng đã về hưu hoặc đang bệnh tật nặng hoặc đã chết thì rất khó truy thu được số tiền cơ quan Nhà nước đã bồi thường) và sẽ xóa bỏ được án oan sai xảy ra gây bức xúc dư luận như hiện nay.

- Xin cảm ơn Luật sư!






Nguyễn Dũng
Bình luận
vtcnews.vn