Vi phạm quy định về an ninh hàng không trong 9 tháng đầu năm 2014 lên đến 226 vụ, tăng 104 vụ so với cùng kỳ năm 2013, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết trong một báo cáo mới gửi đến Quốc hội.
Theo báo cáo, cùng thời gian này, cơ quan chức năng đã thực hiện 91 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, ban hành 236 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng với số tiền xử phạt là 1.721.100.000 đồng.
Mặc dù không để xảy ra vụ việc mất an toàn, an ninh nào, nhưng vẫn còn xảy ra các sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn tàu bay và khai thác tàu bay, Bộ trưởng cho biết.
Cụ thể, đã xảy ra một sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn mức B, khi tàu bay đang thực hiện cất cánh phát hiện hỏng động cơ, do nguyên nhân công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tại cảng hàng không Melbourne, Úc.Các đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Thăng về tình trạng chung của hạ tầng giao thông, giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, sớm hoàn thành quốc lộ 1A, giảm suất đầu tư, đảm bảo chất lượng công trình giao thông.
Nguyên nhân trực tiếp của các vi phạm về an ninh hàng không được Bộ trưởng đánh giá là từ nhận thức của hành khách, công dân. Như tung tin có bom, vật liệu nổ, hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định, gây rối, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không hoặc âm nhập bất hợp pháp khu vực hạn chế.
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ đơn vị khai thác cảng hàng không, quản lý điều hành bay, báo cáo viết.
Cho rằng do ảnh hưởng của vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, trong 6 tháng đầu năm 2014 tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay tăng cao, song báo cáo lại không nêu con số để so sánh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết từ tháng 7/2014 đến nay tình hình chậm, hủy chuyến đã được cải thiện rõ rệt. Sang quý 3/2014, tỷ lệ chậm chuyến bay giảm xuống còn 15,9%, riêng tháng 9/2014, tỷ lệ chỉ còn 9,9%.
Ngoài an ninh hàng không, công tác đảm bảo an toàn hàng hải cũng được thể hiện tại báo cáo. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt đề án đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của Tokyo MOU vào cuối năm 2014.
Cũng tính trong 9 tháng đầu năm 2014, báo cáo cho hay đã xảy ra 10 vụ tai nạn hàng hải, trong đó, có 6 vụ tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển, 4 vụ xảy ra ngoài biển.
Tình hình an toàn giao thông đường thủy được đánh giá là vẫn diễn biến phức tạp, toàn quốc xảy ra 57 vụ tai nạn làm chết 43 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm 2013 tăng 5 vụ (9,62%), tăng 6 người chết và 1 người bị thương.
Giảm cả 3 tiêu chí song tại nạn giao thông đường bộ cũng vẫn còn diễn biến phức tạp. Phân tích số liệu so sánh tai nạn giao thông giữa 9 tháng đầu năm 2014 với cùng kỳ năm trước, Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ tai nạn xảy ra trên địa bàn đô thị giảm sâu (chiếm 23,8% tổng số vụ so với 32,4% của 9 tháng năm 2013).
Tỷ lệ số vụ tại nạn giao thông do xe mô tô, xe gắn máy gây ra cũng giảm, chiếm 70,1% tổng số vụ so với 72,25% cùng kỳ năm trước.
Theo nghị trình thì từ 14h40 chiều 18/11 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội.
Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan tại phiên chất vấn này.
Các đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Thăng về tình trạng chung của hạ tầng giao thông, giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, sớm hoàn thành quốc lộ 1A, giảm suất đầu tư, đảm bảo chất lượng công trình giao thông.
Bộ trưởng cũng sẽ phải trả lời về trách nhiệm của Bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông; giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tai nạn giao thông khi vừa thi công vừa khai thác đường bộ.
Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải cũng là nội dung trong nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Theo Vneconomy
Bình luận