"Ánh sáng đó trông rất bất thường. Nó di chuyển theo hướng đông bắc và chúng tôi quan sát ánh sáng trong 2 tới 3 phút trước khi nó biến mất. Chúng tôi không biết đó là cái gì nhưng trông nó hết sức khác thường", cô Shauna Royes nói.
Royes phát hiện ra ánh sáng kỳ lại này khi đang tham dự bữa tiệc tối cùng 160 người ở công viên Julia Creek, tây bắc Queensland.
ABC sau đó chia sẻ bức ảnh Royes trên trang facebook, hỏi các độc giả xem có ai quan sát thấy ánh sáng kỳ dị tương tự không. Hàng chục người Australia tiết lộ rằng họ cũng bắt gặp tình huống như vậy.
Tuy nhiên, hãng tin này sau đó dẫn lời giáo sư Jonti Horner nói rằng, ánh sáng mà nhiều người lầm tưởng phát ra từ một thăm dò vũ trụ của người ngoài hành tinh thực chất chỉ là con tàu vũ trụ của Ấn Độ trong quá trình được phóng lên Mặt Trăng.
Chiều 22/7 giờ Ấn Độ (tương đương với khung giờ tối ở Australia), Ấn Độ phóng tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trăng 2 có tên Chandrayaan-2 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh, bằng tên lửa đẩy GSLV MKIII tiên tiến nhất của nước này.
Dự kiến, tàu vũ trụ sẽ đáp thiết bị đổ bộ xuống gần vùng Cực Nam chưa được khám phá của Mặt Trăng 48 ngày sau thời điểm phóng, thực hiện nhiệm vụ phân tích khoáng vật, lập bản đồ bề mặt và tìm kiếm nước.
Sứ mệnh Mặt Trăng 2 nếu thành công sẽ đánh dấu bước nhảy vọt trong lĩnh vực thăm dò không gian của Ấn Độ, đưa nước này trở thành quốc gia thứ 4 sau Mỹ, Nga và Trung Quốc thực hiện hạ cánh mềm và triển khai thiết bị tự hành trên bề mặt Mặt Trăng.
Bình luận