Một khu vực khai thác than trái phép ở bang Meghalaya, Ấn Độ đã bị ngập vào ngày 13/12, bên trong có 15 thợ mỏ.
Hơn 80 nhân viên cứu hộ, bao gồm cả thợ lặn của Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ (NDRF) đang làm việc để bơm hết lượng nước trong hang ra ngoài.
Từ ngày 20/12, mưa lớn đã khiến nước sông dâng cao và tiếp tục tràn vào mỏ, lực lượng cứu hộ lo ngại những người thợ bị mắc kẹt bên trong có thể không sống sót được. "Những nỗ lực đang tiếp tục và không ai mong muốn điều này sẽ xảy ra", ông Conrad Sangma, lãnh đạo bang Meghalaya nói với các phóng viên ngày 26/12. "Nhiệm vụ của chính phủ là tiếp tục cố gắng. Còn hy vọng. Chúng tôi sẽ không đơn giản từ bỏ như thế."
Nỗ lực cứu hộ cũng bị thách thức bởi việc xây dựng trái phép của hầm mỏ. Thông thường, các nhà khai thác mỏ được yêu cầu sản xuất bản đồ đánh dấu các lối đi trong đường hầm và các khu vực an toàn trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng mỏ này không có bản đồ, Shastri, người phụ trách chiến dịch giải cứu cho biết.
Mỏ được xây dựng trong một khu rừng rậm ở quận East Jaintia Hills, đang sử dụng một phương pháp khai thác than được gọi là "khai thác lỗ chuột". Phương pháp này đã bị cấm tại Meghalaya vào năm 2014 do các rủi ro về sức khỏe và môi trường nhưng vẫn được sử dụng âm thầm ở một số nơi. Meghalaya là nơi có số mỏ than lớn nhất ở Ấn Độ và tài nguyên này đã bị khai thác bất hợp pháp trong nhiều thập kỷ.
Bình luận