Ngày 12-13/1/2023, Ấn Độ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Phương Nam nhân dịp nước này đảm nhận vị trí Chủ tịch G20. Hội nghị thượng đỉnh do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì và có sự tham dự của 125 quốc gia. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự bằng hình thức trực tuyến và có phát biểu tại phiên khai mạc.
Tại Hội nghị, các cuộc thảo luận diễn ra hiệu quả, thông qua chương trình nghị sự định hướng hành động, đại diện cho tiếng nói, quan điểm và ưu tiên của các nước đang phát triển.
Đặc biệt, hội nghị công bố 5 sáng kiến chính trong chương trình: Tình hữu nghị vì Sức khỏe (Aarogya Maitri) để mở rộng nguồn cung y tế thiết yếu cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc khủng hoảng nhân đạo; Ấn Độ thành lập Trung tâm Tiên tiến Phương Nam; ra mắt Sáng kiến Khoa học và Công nghệ Phương Nam để chia sẻ kiến thức chuyên môn; Học bổng Phương Nam cho bậc giáo dục đại học ở Ấn Độ và Diễn đàn Nhà ngoại giao trẻ kết nối các cán bộ trẻ của các nước đang phát triển.
Đây là kết quả cao nhất của các cuộc thảo luận thực chất và toàn diện giữa các bên về các chủ đề phát triển lấy con người làm trung tâm, thương mại, công nghệ, tài chính, chăm sóc sức khỏe bền vững, hành động chống biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, giáo dục và nguồn nhân lực, đảm bảo môi trường thuận lợi.
Hội nghị thượng đỉnh đã đồng ý rằng việc tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu phải bao gồm tiếng nói của các bên liên quan lớn nhất – đó là các nước Phương Nam. Ấn Độ sẽ nỗ lực để đảm bảo các ý kiến đóng góp của các nước đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh nhận được sự đánh giá xứng đáng trên toàn cầu và trong các cuộc thảo luận của G20.
Thủ tướng Modi cho biết, đây là cuộc họp trực tuyến lớn nhất từ trước đến nay của các nước Phương Nam. Ông cũng nhấn mạnh, các cuộc thảo luận đã phản ánh nguyện vọng chung và sự tương đồng trong quan điểm của các nước đang phát triển về những thách thức chung mà thế giới phải đối mặt.
Đề cập đến tác động của những thách thức toàn cầu đối với các nước đang phát triển, Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh việc thiết kế lại quản trị tài chính và chính trị toàn cầu là cần thiết để có thể loại bỏ bất bình đẳng, mở rộng cơ hội, hỗ trợ tăng trưởng và lan tỏa tiến bộ và thịnh vượng.
Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những thay đổi chưa từng có gần đây đã tạo ra sức ép kinh tế - xã hội sâu sắc, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và đưa ra đề xuất: Tiếng nói chung của các nước Phương Nam có thể thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, bao gồm một Liên hợp quốc dân chủ và hiệu quả hơn, củng cố hệ thống thương mại lấy WTO làm trung tâm; chuỗi cung ứng toàn cầu có khả năng phục hồi và bền vững, các cam kết tài chính cho biến đổi khí hậu, xóa nợ, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh; chuyển đổi số qua một tiêu chuẩn chung, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho các nước phương Nam; cải thiện hợp tác Nam-Nam và hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng, lương thực và nguồn nước, biến đổi khí hậu và an ninh mạng, và phát huy vai trò của các nền kinh tế mới nổi.
Các nước Phương Nam đại diện cho 3/4 dân số thế giới nhưng tiếng nói của họ không được thể hiện một cách công bằng trong thảo luận và quyết định quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh sẽ thúc đẩy các quan điểm và ưu tiên của các quốc gia đang phát triển ở phương Nam và đặt kỳ vọng của họ đối với cộng đồng quốc tế cũng như G20, khi mà lần đầu tiên bộ ba “troika” của G20 được lãnh đạo bởi ba quốc gia đang phát triển, gồm Ấn Độ, Brazil và Indonesia.
Bình luận