Ngày 30/04, tờ “Đông Phương” đã trích đăng bài viết trên tạp chí Jane’s Defence Weekly cho biết, ngày 11/05 tới đây, toàn bộ dàn tiêm kích hạm của Ấn Độ sẽ chính thức được đưa vào biên chế lực lượng hải quân nước này.
Năm 2004, Ấn Độ mua 1 lô 16 chiếc tiêm kích hạm Mig-29 của Nga với tổng trị giá hợp đồng 525 triệu USD. Lô máy bay này còn có 4 chiếc máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi Mig-29KUB.
Tàu sân bay Ấn Độ INS Vikramaditya |
Số máy bay này sẽ được trang bị trên các tàu sân bay cũ mua của Nga là Vikramaditya. Dự kiến, tàu sân bay có lượng giãn nước 44750 tấn này, sẽ được Nga bàn giao cho Ấn vào tháng 11 năm nay.
Trong giai đoạn từ 2015 đến 2016, không quân Ấn Độ sẽ tiếp nhận thêm 1 lô 29 chiếc Mig-29K/KUB nữa, để trang bị trên tàu sân bay quốc nội đầu tiên của Ấn Độ có lượng giãn nước 40.000 tấn mang tên IAC-1.
Lô máy bay này được Ấn Độ ký hợp đồng mua của Nga năm 2010, trị giá hợp đồng ước tính khoảng 1,2 tỷ USD. Loạt máy bay này sẽ được trang bị radar Doppler đa chức năng và hệ thống quang học, điện tử hiện đại.
Hàng không mẫu hạm quốc nội đầu tiên của Ấn Độ IAC-1 được đặt tên là Vikrant, dự kiến năm 2017 - 2018 sẽ được biên chế cho lực lượng hải quân. Cùng với Vikramaditya, tàu sân bay này cũng bị chậm trễ so với thời gian biên chế chính thức khoảng 5 năm.
Tháng 3 năm nay, Hải quân Ấn Độ đã gửi thư mời thầu quốc tế trên toàn cầu để mua sắm 5 tàu bảo đảm cho hạm đội (FSP). Loạt tàu bảo đảm này sẽ cung cấp khả năng hỗ trợ hậu cần cho nhóm tàu sân bay, biến Ấn Độ trở thành một trong những cường quốc hải quân biển xa đích thực, vượt trên cả Trung Quốc.
Máy bay huấn luyện Mig-29KUB của không quân Ấn Độ |
Thư mời thầu công bố các chỉ tiêu kỹ thuật của FSP như sau: chiều dài 200m, lượng giãn nước 40.000 tấn, có khả năng duy trì tốc độ 20 hải lý/h trong điều kiện biển động cấp 3.
Biên chế chính thức của FSP gồm 190 thủy thủ, trong đó có 24 sĩ quan, trên tàu có thể biên chế ít nhất 1 chiếc trực thăng đa dụng.
Hiện nay, hải quân Ấn Độ chỉ có 2 tàu dầu có lượng giãn nước 27.550 tấn do công ty Fenkandini của Italia chế tạo. Biên đội tàu bảo đảm này được đưa vào phục vụ sẽ giúp hải quân Ấn Độ duy trì khả năng tác chiến biển xa của biên đội tàu sân bay.
Đến thời điểm đó hải quân Ấn Độ sẽ có ít nhất 3 tàu sân bay là INS Viraat, INS Vikramaditya, INS Vikrant. Cùng với biên đội tiêm kích hạm Mig-29K tinh nhuệ và lực lượng tàu hộ tống và bảo đảm mạnh mẽ, hải quân Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc hải quân lớn nhất châu Á, vượt qua cả Trung Quốc.
TheoNguyễn Ngọc/ An ninh Thủ đô
Bình luận