(VTC News) – Hàng loạt bệnh viện ở Ấn Độ đang phải đối mặt với cáo buộc lừa đảo cắt tử cung cho bệnh nhân nữ để lấy tiền bảo hiểm của chính phủ, hãng BBC đưa tin hôm 21/9.
Safina Khatun nhập viện ở thị trấn Samastipur, bang Bihar trong tình trạng bụng đau dữ dội và được các bác sĩ khuyên cô nên cắt bỏ tử cung (dạ con).
Người phụ nữ 35 tuổi những tưởng mình sẽ được phẫu thuật miễn phí nhờ chính sách bảo hiểm của Nhà nước dành cho người nghèo nên thoạt đầu chị còn cảm thấy rất vui mừng.
Hàng ngàn người phụ nữ Ấn Độ đang bị các bệnh viện lừa đảo 'cắt tử cung' để chiếm tiền bảo hiểm của chính phủ |
Thế nhưng, kỳ lạ là sau ‘ca phẫu thuật nhân đạo’, bụng của Safina vẫn không ngừng đau. Và cô đã thực sự sốc khi biết rằng thay vì cắt tử cung, các bác sĩ lại cắt mất 1 trong 2 đường ống dẫn trứng của cô!?
“Bác sĩ bảo tôi phải cắt dạ con vì nó bị sưng. Nhưng trong một lần vô tình, tôi đi kiểm tra lại thì phát hiện cái dạ con vẫn còn nguyên!”, Safina kể với phóng viên BBC.
Anh Mohammad Allahuddin, chồng Safina giận dữ nói: “Vợ tôi không phải là người duy nhất bị lừa. Còn có rất nhiều người phụ nữ khác ở đây gặp phải hoàn cảnh này. Tôi sẽ không để yên cho bọn chúng (ám chỉ các bác sĩ và nhân viên y tế có liên quan)!”
Trên thực tế, Safina chỉ là 1 trong số hàng nghìn người phụ nữ nghèo ở Bihar trở thành nạn nhân của cái gọi là ‘chiến dịch cắt tử cung’ của những ‘lương y’ để chiếm đoạt số tiền gian lận lên tới hàng triệu đô la từ ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, số liệu của phóng viên BBC thu thập được từ nhiều vùng ở Ấn Độ cho thấy chỉ hơn 2 năm qua, đội ngũ bác sĩ ở bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã lừa đảo được ít nhất 50.000 người phụ nữ với cùng một ‘thủ đoạn trá hình’.
Cắt tử cung và thắt ống dẫn trứng là những biện được nhiều người phụ nữ nghèo ở Ấn Độ sử dụng để tránh thai và giảm tỉ lệ sinh |
Theo chính quyền địa phương, trong tất các các trường hợp trên, có trường hợp cần thiết phải cắt nhưng cũng có trường hợp chỉ là ‘ý kiến chủ quan’ của các bác sĩ. Thậm chí, nhiều ca phẫu thuật dù không được tiến hành nhưng viện phí vẫn được ghi đầy đủ và xếp vào loại thanh toàn bằng tiền bảo hiểm.
Vụ việc được đưa ra ánh sáng khi tòa án thị trấn Samastipur tổ chức một đợt tái kiểm tra cho phụ nữ trong vùng vì ‘nhận được nhiều lời phàn nàn về các ca phẫu thuật giả hoặc là không cần thiết’.
Con số thống kê đợt gần nhất cho thấy có tới 2606 người đăng ký tái khám phát hiện mình bị lừa trong khi chỉ có 316 bệnh nhân được 'chữa trị đến nơi đến chốn’.
Điều này cho thấy việc phối hợp, kiểm soát thiếu chặt chẽ giữa các bệnh viên tư nhân, các công ty bảo hiểm nhà nước, các quan chức nhà nước và cả những người trực tiếp hưởng lợi từ các chính sách xã hội ở Ấn Độ, BBC nhận định.
Chính phủ Ấn Độ cho biết từ năm 2010 tới nay, đã có hơn 800 bệnh viện trên khắp lãnh thổ Ấn Độ áp dụng chương trình thanh toán bằng bảo hiểm cho người nghèo với số tiền lên tới 62 triệu USD.
Trong khi đó, huyện Nalanda là nơi có tỷ lệ phụ nữ cắt tử cung cao nhất cả nước với 6.653 người.
Một phụ nữ trẻ người Ấn Độ bên con trai (Ảnh minh họa) |
Hiện, Bộ trưởng Lao động Ấn Độ - ông Janardan Singh Sigriwal cho biết chính phủ nước này đã bắt đầu điều tra vụ việc ở hơn 38 quận huyện với hy vọng có thể sớm ngăn chặn một vấn nạn đang gây nhức nhối trong dư luận xã hội.
‘Việc các bác sĩ lừa đảo bệnh nhân như vậy là trực tiếp vi phạm luật nhân quyền. Do đó, chúng tôi cũng đã gửi kiến nghị yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan chức năng nghiêm túc điều tra và công khai kết quả trong thời gian sớm nhất’, Giám đốc Ủy ban Nhân quyền Ấn Độ - SN Jha nói với BBC hôm 21/9.
Hạ Giang
Bình luận