Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cấp cứu thành công cho cụ ông N.V.V., 63 tuổi, trú tại huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang bị ngộ độc cá nóc nguy kịch.
Gia đình cho biết, sáng 3/6, ông đặt bẫy được khoảng 0,5kg cá nóc mít, nhưng nghe nói loài này độc nên ông chỉ ăn khoảng 3 con. Hai tiếng sau, ông bắt đầu có biểu hiện tê bì chân tay, tê môi.
Nghi bị ngộ độc, gia đình đưa ông V. tới bệnh viện cấp cứu, rửa dạ dày, đặt nội khí quản, sử dụng than hoạt tính, truyền dịch. Sau đó ông được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, co giật, tê cứng tay chân, cứng hàm, tiên lượng nặng.
Bệnh nhân được chỉ định thở máy, điều trị hỗ trợ và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và chống độc.
Sau một ngày điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, đã rút nội khí quản, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và tê nhẹ 2 tay. Để đảm bảo thể trạng, bệnh nhân tiếp tục ở bệnh viện để điều trị.
Theo bác sĩ Dương Thiện Phước – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, chất độc Tetrodotoxin ở cá nóc mít có độc tính gấp 1.000 lần Xyanua (một trong những loại độc tố mạnh nhất).
Chất độc này tập trung nhiều ở da, gan, ruột, cơ bụng, túi tinh và đặc biệt là trứng cá. Dù làm sạch cỡ nào cũng không thể hết được các độc tố.
Người dân khi ăn vào sẽ có nguy cơ bị ngộ độc, tê liệt thần kinh, mất vận động, tê liệt chân tay, tím tái, khó thở, buồn nôn, nôn, liệt hô hấp và trụy tim mạch dẫn đến thiệt mạng.
Do vậy, bác sĩ Phước khuyến cáo, người dân dù trong hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối không được sử dụng cá nóc mít làm thực phẩm trong bữa ăn. Nếu không may ngộ độc cá nóc, mọi người cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới bệnh viện nơi nhất để được chữa trị kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng.
Bình luận