Sự phát triển nhanh và mạnh của kỷ nguyên công nghệ tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và cũng tác động mạnh mẽ tới cách thức dạy - học môn Âm nhạc của giáo viên và học sinh.
Từ năm học 2024 - 2025, sách giáo khoa (SGK) Âm nhạc 5 sẽ bắt đầu một chặng đời mới của mình. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện trao đổi với TS. Đỗ Thị Minh Chính - Tổng Chủ biên SGK Âm nhạc 5 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và nghe chị chia sẻ về SGK Âm nhạc 5 cũng như quá trình biên soạn SGK Âm nhạc bậc Tiểu học.
Cuốn sách Âm nhạc 5 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và sẽ chính thức đến tay giáo viên, học sinh từ năm học 2024-2025. Cuốn sách này cũng đồng thời đánh dấu hoàn thành chặng đường đầu tiên của môn âm nhạc cấp tiểu học theo chương trình 2018.
- Thưa TS. Đỗ Thị Minh Chính, là Tổng Chủ biên của SGK Âm nhạc 5 và SGK Âm nhạc tiểu học bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, TS có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình khi bắt tay biên soạn SGK Âm nhạc?
Khi được mời tham gia là Tổng Chủ biên SGK Âm nhạc của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cá nhân tôi cùng nhóm tác giả đã rất hào hứng và tâm huyết trong việc tìm hiểu chương trình và SGK Âm nhạc ở bậc học phổ thông của các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới, nghiên cứu và chỉ ra những điểm cần thay đổi trong SGK môn Âm nhạc hiện hành để đưa ra cấu trúc/mô hình cuốn SGK Âm nhạc phát triển năng lực theo mục tiêu của Chương trình GDPT môn Âm nhạc do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018.
Chúng tôi cũng nhận thấy đây là vinh dự song cũng là trách nhiệm lớn lao và nặng nề, bởi việc thay sách này được diễn ra trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Hoạt động giáo dục âm nhạc trong nhà trường và đời sống xã hội sẽ không chỉ mang đến cho các em học sinh những niềm vui, những cảm xúc trong sáng, lòng nhân ái, tình đoàn kết, sự sẻ chia và tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động học tập, trong cuộc sống… mà còn giúp cho việc hình thành và phát triển các tố chất tiềm ẩn, năng khiếu âm nhạc của mỗi học sinh.
- Một điều đáng chú ý trong SGK Âm nhạc 5 là tên gọi các chủ đề mang đầy chất thơ. Vậy bà có thể chia sẻ thêm về tên gọi cũng như nội dung dạy - học trong một số các chủ đề này?
Việc lựa chọn tên cho các chủ đề cũng là vấn đề khó nhưng thú vị, bởi tên gọi của chủ đề nếu hấp dẫn và có “chất thơ” sẽ khiến học sinh hứng thú trong việc tìm hiểu khám phá nội dung của bài học.
Không chỉ vậy, việc lựa chọn tên của chủ đề còn phải gần gũi hay gắn với tiêu đề của các bài hát, song lại vừa khái quát được nội dung của mỗi bài học, đảm bảo hệ thống tên chủ đề bài học của mỗi lớp và bám sát triết lí của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Vì thế, việc lựa chọn tên của chủ đề cũng là một công việc trăn trở và cũng tốn không ít thời gian và công sức của nhóm tác giả chúng tôi để tìm ra các tiêu đề như: Khúc ca ngày mới, Giai điệu quê hương, Thiên nhiên tươi đẹp, Ước mơ tuổi thơ, Khúc ca hè về…
- Việc lựa chọn bài hát phù hợp với chủ đề, lứa tuổi đôi khi cũng sẽ là vấn đề khiến đội ngũ tác giả phải cân nhắc, suy nghĩ rất nhiều. Vậy trong SGK Âm nhạc 5, TS có thể chia sẻ nhóm tác giả đã lựa chọn bài hát như thế nào để giới thiệu đến các em học sinh?
Trình tự chủ đề bài học của các cuốn SGK Âm nhạc của chúng tôi cũng có sự gắn kết và xuyên suốt ở các lớp. Cụ thể, gắn với mỗi chủ đề, nhóm tác giả đã lựa chọn các bài hát, làn điệu dân ca, trước hết là phải có giai điệu đẹp, lời ca trong sáng giàu hình ảnh hoăc có tính biểu tượng, phù hợp với tên của chủ đề.
Ở SGK Âm nhạc 5 chúng tôi đã lựa chọn các bài hát có sự đa dạng về tính chất âm nhạc như: Chim sơn ca, Lí đất giồng, Bay vào tương lai, Duyên dáng mùa xuân, Em đi giữa biển vàng, Tuổi hồng ơi, Đất nước tươi đẹp sao, Khúc ca hè về.
Cụ thể, làn điệu Lí đất giồng là một bài dân ca trong kho tàng âm nhạc dân gian đặc sắc của Nam Bộ tiêu biểu cho chủ đề Giai điệu quê hương, hay bài hát Em đi giữa biển vàng - một trong những sáng tác tiêu biểu của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã được biên soạn trong chủ đề Thiên nhiên tươi đẹp. Bài học này sẽ được triển khai dạy học ở tháng 1, đây là thời điểm đầu năm gắn với mùa xuân tràn đầy nhịp sống mới của thiên nhiên và vạn vật.
- Trong cuộc sống ngày nay, nhất là tại các thành phố lớn, ngày càng nhiều gia đình quan tâm và mong muốn con cái biết thêm một/một vài nhạc cụ. Ở lứa tuổi của học sinh lớp 5, các em sẽ được học thêm các nhạc cụ gì?
Ở lứa tuổi học sinh lớp 5, ngoài các nhạc cụ thể hiện tiết tấu như: Trống con, thanh phách, song loan, traiengo (triangle),… các em còn được học các nhạc cụ thể hiện giai điệu như: sáo recorder, kèn phím hay piano, key board ở mức độ cơ bản và đơn giản để có thể chơi được những nét nhạc hoặc các bài hát, các trích đoạn ngắn.
Thậm chí ở một, hai chủ đề của sách còn biên soạn nội dung giúp các em làm quen và thực hành đệm ở mức độ đơn giản cho các bài hát, trình diễn làn điệu dân ca.
Đây cũng là những hiểu biết, kỹ năng rất hữu ích cho các em trong đời sống tinh thần với nhiều trải nghiệm phong phú và thú vị khi thưởng thức và cảm thụ các hình tượng nghệ thuật âm nhạc.
- Giáo viên khi giảng dạy SGK mới thường rất quan tâm đến nguồn tài liệu hỗ trợ dạy học, học liệu tiện ích. Với SGK Âm nhạc 5, giáo viên sẽ được hỗ trợ như thế nào?
Các nguồn tài liệu, học liệu điện tử không chỉ là nội dung mà đây cũng chính là phương tiện cần thiết trong dạy học môn âm nhạc giúp cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, học sinh thay đổi cách học để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Chúng tôi đã xây dựng nguồn học liệu phong phú bám sát các chủ đề của sách như các file mp3 bài hát mẫu, các file beat hỗ trợ cho việc học hát, lí thuyết âm nhạc, đọc nhạc, các file mp4 hỗ trợ hoạt động trình diễn các bài hát hay các videp clip animation… hỗ trợ học sinh trong việc tìm hiểu và chia sẻ về nội dung thường thức âm nhạc.
Các học liệu này đã được số hóa trong các trang sách điện tử trên trang Hành trang số (hanhtrangso.nxbgd.vn), Tập huấn (taphuan.nxbgd.vn) của NXBGDVN để tiếp cận với quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn học liệu cần có sự kết hợp với các phương pháp dạy học của bộ môn một cách hợp lí, linh hoạt và sáng tạo trong từng hoạt động, bài học để mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình dạy - học môn âm nhạc.
- Xin cảm ơn TS. Đỗ Thị Minh Chính về cuộc trò chuyện này!
Bình luận