Với những bước tiến mới đáng ghi nhận trong hoạt động tố tụng và cải cách tư pháp, chúng ta đã mạnh dạn cởi bỏ được nhiều thứ cũ, quan tâm hơn đến tính nhân văn và quyền lợi của các bị can, bị cáo - những người chưa bị tòa tuyên là có tội.
Trước hết, chúng ta đã bỏ được “chiếc áo tù”. Lâu nay, các bị can, bị cáo ra tòa đều phải mặc “áo tù”, dù sau đó tòa có tuyên họ vô tội, thì hình ảnh họ mặc "áo tù" đứng trước vành móng ngựa vẫn còn đó. Với tinh thần đổi mới, chúng ta đã bỏ được cái đó.
Rồi mới đây, chúng ta tiếp tục bỏ vành móng ngựa trong các phiên tòa, thay vào đó là bục khai báo cho các bị cáo.
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 mới có hiệu lực, người chưa bị tòa tuyên án là có tội thì chưa phải tội phạm.
Những người đang trong quá trình tạm giam, là các bị can hay bị cáo, khi tòa chưa tuyên án, họ cũng chỉ bị hạn chế quyền tự do chứ chưa phải đã mất đi những quyền công dân cơ bản.
Chúng ta thay đổi nhiều thứ tốt đẹp như thế, nhưng mới đây, hình ảnh ông Đinh La Thăng bị còng tay trước phiên xét xử lại khiến nhiều người băn khoăn và ám ảnh. Bản thân tôi thấy, chiếc còng số 8 đeo ở tay ông Thăng khi đó không đẹp chút nào.
Không đẹp vì sao? Vì chúng ta đã cải cách tư pháp theo hướng nhân văn, nhân đạo, đặt quyền con người vào trung tâm sự cải cách, chúng ta đã bỏ được "áo tù", vành móng ngựa, chúng ta cho các bị can, bị cáo được tranh tụng, đối chất tại tòa...
Vậy thì sao không bỏ chiếc còng số 8 trong những trường hợp này?
Còng tay bị can, bị cáo khi dẫn giải ra phiên tòa là quy định riêng của Bộ Công an – cơ quan hành pháp, chứ luật không quy định cụ thể về việc này.
Tôi cho rằng, cần nghiên cứu lại, bởi hoạt động tố tụng và tư pháp đã thay đổi rất nhiều nhưng bên hành pháp, công an hầu như vẫn giữ những quy định cũ kiểu đó.
Tôi băn khoăn, có nhất thiết phải còng tay bị can, bị cáo trong mọi trường hợp không? Dẫu biết rằng để đảm bảo an ninh, an toàn nhưng cũng phải linh hoạt xem trường hợp nào cần thiết.
Đối với công chúng, một người bị đưa ra tòa chưa phải là người có tội. Hơn nữa, tội phạm kinh tế khác với tội phạm hình sự giết người, khủng bố hay xã hội đen, nên ta cần căn cứ vào từng trường hợp, đối tượng cụ thể mà áp dụng quy định còng tay.
Nếu giải thích vì sợ bị can, bị cáo tự tử, tôi lại nghĩ khác. Mỗi bị can, bị cáo luôn có hai cảnh sát bảo vệ hai bên, hoàn toàn khống chế được khả năng đó. Hơn nữa, khi vào dự phiên tòa, các bị can, bị cáo đều được mở còng tay. Nếu sợ tự sát, thì sao vào phiên tòa lại mở còng tay cho họ?
Tôi cũng băn khoăn hình ảnh trong hội trường xét xử có quá nhiều sắc phục cảnh sát. Ngồi trong một phiên tòa xét xử mà nhìn qua toàn thấy sắc phục cảnh sát, có cần thiết hay không? Có đảm bảo không khí dân chủ hay không?
Nếu cần nhiều cảnh sát bảo vệ thế thì các cảnh sát đó có thể mặc thường phục, không nhất thiết mặc sắc phục.
Một người từng là lãnh đạo, cũng đã có nhiều đóng góp, nay là bị can, bị cáo trong một vụ án về kinh tế, tôi cho rằng không nhất thiết phải còng tay. Nó cho thấy một hình ảnh của chiếc còng số 8 không hề đẹp mắt, gây ám ảnh cho không ít công chúng.
Vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc bị bắt giữ cũng bị còng tay, nhưng người ta rất tế nhị khi dùng một chiếc khăn hoặc chiếc áo che đi chiếc còng tay ấy, đó cũng là sự nhân văn.
Chúng ta đã có nhiều bước tiến hướng tới sự nhân văn đó, thì hãy quan tâm, linh hoạt hơn trong việc sử dụng những chiếc còng số 8 vốn không đẹp mắt này.
Trung tướng Trần Văn Độ (Nguyên Phó chánh án TAND Tối cao).
Video: Toàn cảnh phiên xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sáng 9/1
Bình luận