Những thông tin liên quan đến nợ nần của Air MeKong khiến tin đồn không hay về hãng này lan rộng.
Thông tin Air Mekong đang trở thành con nợ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không, cộng với thông báo chỉ bán vé đến hết tháng 2/2013 khiến dư luận đang rộ lên câu hỏi: Liệu Air Mekong có rơi vào vết xe đổ như một hãng hàng không tư nhân đã từng thất bại trước đây ?
Theo thông tin từ các đại lý vé máy bay, trong khi các hãng hàng không khác như Jetstar Pacific, VietJet Air đều mở bán vé đến hết tháng 7/2013 thì Air Mekong chỉ có kế hoạch bán vé đến hết tháng 2/2013. Cùng thời điểm này, công ty xăng dầu Hàng không (Vinapco) cũng cho biết, gần đây Air Mekong không thể trả tiền nhiên liệu đúng hạn cho Vinapco.
Tuy nhiên, do Air Mekong đã được ngân hàng bảo lãnh và cam kết sẽ thanh toán hết nợ cũ trước ngày 15/1 nên Vinapco vẫn cung cấp nhiên liệu cho Air Mekong mỗi ngày khoảng 1,3 tỷ đồng, đáp ứng cho đội bay gồm 4 chiếc và Air Mekong phải thanh toán số tiền này mỗi ngày.
So với thất bại của hãng hàng không trước thì Air Mekong là hãng bay tư nhân được đầu tư rất cơ bản, có đội ngũ lãnh đạo là những người có kinh nghiệm và từng làm việc lâu năm trong ngành hàng không.
Đặc biệt, nguồn lực tài chính của Air Mekong còn có sự góp vốn của các cổ đông lớn là SkyWest (công ty Hàng không Hoa Kỳ) và tháng 6/2012 lại có thêm Eximbank tham gia góp 11% vốn điều lệ nhằm mục đích tăng vốn điều lệ ban đầu của Air Mekong từ 200 tỷ lên 600 tỷ đồng. Ngoài việc đầu tư góp vốn, Eximbank còn thỏa thuận hỗ trợ Air Mekong trong các hoạt động tài trợ thuê, mua máy bay để phát triển đội máy bay lên 10 chiếc trong các năm tới.
Eximbank cũng sẽ hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển hạ tầng và các dịch vụ thương mại, kỹ thuật của Air Mekong tại các sân bay. Bên cạnh đó, hai bên sẽ hợp tác phát triển các dịch vụ liên kết như thanh toán vé máy bay, các chương trình quảng cáo, khuyến mại, phát triển thương hiệu.
Thực tế hoạt động gần hai năm, Air Mekong đã thực hiện hơn 17.000 chuyến bay, vận chuyển gần 1,2 triệu hành khách, khai thác hiệu quả 13 đường bay đến 9 điểm nội địa: Hà Nội, TP.HCM , Vinh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt, Quy Nhơn, Côn Đảo, Phú Quốc.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do kinh tế suy thoái, nhất là lĩnh vực ngân hàng đầy biến động, cộng với chi phí nhiên liệu tăng quá cao, giá nhân công đắt... rất có thể dẫn đến tình hình kinh doanh của Air Mekong bị ảnh hưởng. Ngay cả hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, trong 4 tháng đầu năm nay, doanh số cũng sụt giảm, không đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính kiến nghị tháo gỡ khó khăn, Vietnam Airlines nêu rõ: "Với giá nhiên liệu bình quân thực tế tăng 7,44% so với giá kế hoạch đã làm chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm 303 tỷ đồng. Với quy mô kinh doanh hiện tại, nếu giá nhiên liệu tăng 1 USD/thùng thì chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành của Hãng sẽ tăng thêm gần 150 tỷ đồng.
Trong khi đó thì Vietnam Airlines lại đang phải áp dụng mức giá cước vận chuyển cho hành khách chỉ tương ứng 118 USD/thùng giá nhiên liệu trong cơ cấu tính giá vé, thấp hơn nhiều mức giá cước tối đa cho phép".
Cũng theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, do đến nay, Vinapco vẫn chưa thu được hết nợ của Hãng Indochina Airlines nên trong trường hợp Air Mekong không trả được tiền xăng cho Vinapco như cam kết, Cục sẽ không can thiệp và hãng này sẽ bị Vinapco ngưng cung cấp nguyên liệu nếu theo đúng hạn và các khoản hợp đồng đã ký.
Theo đại diện truyền thông của Air Mekong, việc Air Mekong ngưng bán vé hết tháng hai không phải vì lý do tài chính, mà do chiến lược kinh doanh của Air Mekong chỉ lên ngắn hạn, song song đó, trong khoảng thời gian cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3/2013, Air Mekong có kế hoạch chuyển đổi máy bay từ máy bay Bombardier CRJ 90 chỗ sang máy bay Airbus 320 hoặc Boeing 737 để tăng năng lực vận chuyển, tiết kiệm chi phí.
Air Mekong cũng vừa thông báo, kể từ ngày 4/1/2013, mở bán đợt 3 các chuyến bay tăng chuyến trong dịp Tết Quý tỵ.
Cụ thể: Air Mekong tăng 98 chuyến bay giữa TP. HCM và Quy Nhơn, trong tuần cao điểm trước và sau Tết mỗi ngày tăng từ 4 đến 8 chuyến bay so với thường lệ.
Trong khi đó, trên đường bay từ TP. HCM đến Buôn Ma Thuột, Pleiku tăng hơn 200 chuyến bay, giai đoạn Tết tăng thêm từ 4 đến 6 chuyến bay hằng ngày. Đồng thời, các đường bay du lịch từ Hà Nội bay thẳng đến Phú Quốc, Côn Đảo và từ TP.HCM đến hai hòn đảo phía Nam cũng được tăng cường cho giai đoạn tết.
Về thông tin thanh toán tiền tra nạp xăng dầu với Công ty Vietnam Airlines, Air Mekong khẳng định, thời điểm hiện nay, Hãng không có nợ quá hạn. Air Mekong luôn cam kết thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với nhà cung cấp.
Các khoản thanh toán của Air Mekong đều được ngân hàng đảm bảo và có tài sản thế chấp. Air Mekong cũng cho biết thêm, lịch bay tết 2013 sẽ đảm bảo khai thác đúng giờ ít nhất 90% số chuyến bay theo đúng tiêu chuẩn của Air Mekong.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Bình luận