• Zalo

Ai sẽ là 'ông lớn' ngân hàng khu vực?

Kinh tếThứ Hai, 27/07/2015 09:24:00 +07:00Google News

Ai sẽ là 'ông lớn' ngân hàng khu vực ?

Đề án Tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ mục tiêu đến cuối năm 2015 phấn đấu hình thành được ít nhất 1-2 ngân hàng có quy mô và trình độ tương đương các ngân hàng khu vực.

“Ông lớn” tranh tài

Cả 3 ngân hàng TMCP: Đầu tư và Phát triển Việt Nam (mã BID), Công Thương Việt Nam (mã CTG) và Ngoại Thương Việt Nam (mã VCB) đang tích cực nâng tầm quy mô, vốn, trình độ quản trị… để chạy đua trở thành 1 trong 2 ngân hàng tầm cỡ khu vực đầu tiên vào năm cuối năm 2015.
Ai sẽ là 'ông lớn' ngân hàng khu vực ?
So sánh tương quan lực lượng của 03 ngân hàng này cho thấy CTG đang là ngân hàng lợi thế về vốn chủ sở hữu và tổng tài sản so với BID và VCB.

Năm 2015, ba ngân hàng này đặt kế hoạch kinh doanh rất ấn tượng. Dự kiến lợi nhuận trước thuế của CTG là 7.300 tỷ đồng, VCB là 5.900 tỷ đồng, BID là 7.500 tỷ đồng. Mức cổ tức của CTG là 9% và BID chia là 9,4%, VCB là 10%.


Ba ngân hàng hàng đầu của Việt Nam cũng lọt bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Tạp chí Forbes Global 2000. Trong đó thứ hạng của CTG cao nhất, xếp thứ 1.902 với giá trị thị trường tính đến tháng 5/2015 là 3 tỷ USD; doanh thu 2,23 tỷ USD. BID xếp vị trí thứ 1.913 với giá trị thị trường 2,3 tỷ USD và doanh thu 2,44 tỷ USD. VCB đứng thứ 1.985 với doanh thu 1,65 tỷ USD, thị giá 4,4 tỷ USD.
Ai sẽ là 'ông lớn' ngân hàng khu vực ?
Bảng Các chỉ tiêu Tài chính của 03 ngân hàng. (Tính đến hết quý 2/2015)
Tạo “sức mạnh Thánh Gióng”

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, để đạt ngân hàng tầm khu vực thì tổng tài sản tối thiểu 50 tỷ USD, vốn chủ sở hữu khoảng 5 tỷ USD.

Đến nay, cả 3 ngân hàng đều tăng trưởng nhanh về vốn chủ sở hữu, tổng tài và mạng lưới khi nhận sáp nhập thêm các ngân hàng yếu kém.

Có lẽ ngân hàng được kỳ vọng nhiều nhất là CTG khi mới đây tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2015 của CTG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã kỳ vọng CTG sẽ trở thành 1 trong 2 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, có quy mô ngang tầm khu vực.

CTG đã sáp nhập xong ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG bank), đưa tổng mạng lưới của CTG lên gần 1.200 điểm giao dịch, nằm trong Top ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam.

Sắp tới, CTG sẽ tăng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng, tăng tổng tài sản lên 746.000 tỷ đồng, tiếp tục niêm yết thêm 2,4 tỷ cổ phiếu vốn Nhà nước để trở thành Top 6 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường chứng khoán về giá trị vốn hóa.

Định hướng ngân hàng tầm cỡ khu vực thứ 2 tiếp theo là VCB. Tuy nhiên, đến nay VCB mới đang tìm kiếm ngân hàng sáp nhập để nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng và tổng tài sản lên 650.000 tỷ đồng. Trước đó, thông tin ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) sẽ về với VCB đã “chìm xuồng”.

Dự kiến đến năm 2020, vốn chủ sở hữu của VCB khoảng 95.000 tỷ đồng, tổng tài sản dự kiến đến năm 2020 là 1,2 triệu tỷ đồng.

Còn BID vừa tuyên bố là ngân hàng đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ sáp nhập trong giai đoạn 2 của Đề án tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng.

Đến nay, BID cũng đã thực hiện xong việc sáp nhập ngân hàng TMCP Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) chỉ trong 55 ngày “thần tốc”, giúp tăng mạng lưới của BID lên 1.000 điểm, rút ngắn được 7 năm khi có thêm 231 điểm giao dịch của MHB.

Sắp tới, BIDV sẽ tăng mạnh vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại ngân hàng liên doanh VID Public, từ nguồn phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, cổ đông hiện hữu, phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2…

Tương quan về hệ thống các công ty con và công ty thành viên, cả 03 ngân hàng đều có đến hơn 10 các công ty hoạt động về tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, cho thuê tài chính, quản lý quỹ... và các văn phòng tại một số nước Đức, Singapore, chi nhánh tại các nước trong khu vực như Lào, Myanma, tham gia vào các ngân hàng liên doanh Việt-Nga, Lào - Việt… Riêng CTG có thêm công ty vàng bạc đá quý. Đây là cơ sở quan trọng để 03 ngân hàng này trở thành Tập đoàn tài chính tầm cỡ khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, trong việc tái cơ cấu hệ thống, cả 03 ngân hàng trên đều tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, kinh doanh lỗ lã để ổn định hệ thống: CTG hỗ trợ ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). VCB hỗ trợ ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB). BID hỗ trợ hợp nhất 3 Ngân hàng cổ phần Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn.

Nhiều câu hỏi đặt ra đây có phải là “của để dành” giúp các ngân hàng lớn mạnh hơn nữa. Vì dù đã sáp nhập các ngân hàng nhỏ, nhưng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này cũng chỉ mới đạt 1 - 2 tỷ USD, tổng tài sản đạt trên dưới 30 tỷ USD.

Còn theo một chuyên gia ngân hàng cho biết, “không ngoại trừ khả năng các ngân hàng này sẽ tiến tới hợp lực với những ngân hàng lớn khác trở thành “người khổng lồ”.

Nguồn: Diễn đàn Đầu tư
Bình luận
vtcnews.vn