• Zalo

Truy tìm gốc tích bức tường bô rác 'buộc' gần 40 người sống chui rúc tại Sài Gòn

Thời sựThứ Năm, 08/06/2017 06:54:00 +07:00Google News

Nhận được lời hứa sẽ tháo dỡ chốt dân phòng từ chính quyền phường Tân Định, tuy nhiên người dân vẫn bị "nhốt" bởi bức tường bô rác cũ vì chưa biết rõ cơ quan nào quản lý.

Video: Cận cảnh cuộc sống tù túng của người dân khi bị "nhốt" phía sau bức tường bô rác và chốt dân phòng bỏ hoang

Nhà mặt tiền biến thành nhà trong hẻm

Liên quan đến vụ việc gần 40 người sống chui rúc 18 năm vì bức tường bô rác và chốt dân phòng bỏ hoang, ông Trần Trọng Nghĩa - Phó chủ tịch UNND phường Tân Định (Quận 1, TP.HCM) cho biết, chốt dân phòng do địa phương quản lý nên sẽ tiến hành tháo dỡ. Tuy nhiên, việc đập bỏ bức tường bô rác còn nhiều vướng mắc.

Theo ông Nghĩa, bức tường bô rác hiện tại chính là vách ngăn giữa 5 hộ dân đằng sau với 9 tiểu thương buôn bán phía trước tại chợ lề đường Mã Lộ, do Ban quản lý chợ Tân Định phân lô, nếu tiến hành đập bỏ bức tường bô rác cần sự chỉ đạo từ quận.

Ngoài ra, ông Nghĩa cho rằng, bản chất các ngôi nhà trên là nhà trong hẻm, cho nên khi đập bỏ xong chốt dân phòng vẫn không thể để họ đi thẳng ra đường.

IMG_7928

Bản vẽ tay của ông Trần Trọng Nghĩa lý giải 5 hộ dân bị chắn bởi bức tường bô rác (mực đỏ) là nhà trong hẻm.

"Các ngôi nhà lấn hầm tránh bom mà có (hầm tránh bom từ thời Nguyễn Văn Thiệu - PV), vì vậy chúng tôi sẽ kiểm tra tính pháp lý của các gia đình trên", ông Nghĩa nói thêm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV VTC News,  5 hộ dân bị bức tường bô rác "chặn" lại có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu ngôi nhà hợp pháp. Trong đó, có 1 hộ đã có sổ hồng nhiều năm, 1 hộ đang trong quá trình chờ cấp sổ và các hộ đều có giấy tờ viết tay đối với ngôi nhà đang ở.

"Theo quy định của thành phố, chúng tôi có đầy đủ giấy tờ để làm sổ hồng, nhưng gia đình tôi chưa có thời gian đi làm. Vì thế lâu nay họ nói chúng tôi không có tính pháp lý với các ngôi nhà này", chị Phạm Lưu Cẩm Thủy (1 trong 5 hộ dân bị bức tường bô rác chặn trước nhà) bức xúc.

hi

Thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà đất của bà Hạnh ghi rõ nhà bà là nhà mặt đường Mã Lộ. 

Ngoài ra, trong thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà, đất của gia đình bà Võ Thị Mỹ Hạnh do Chi cục thuế quận 1 gửi cũng ghi rõ, ngôi nhà của bà Hạnh có vị trí là mặt tiền. Số tiền thuế bà phải nộp cũng cao hơn bình thường vì nằm ở mặt đường Mã Lộ.

"Hồi tôi mới sửa lại nhà có đập tường bô rác ra để mở lối đi thẳng ra đường, nhưng UBND phường cử người xuống phạt và bắt trám lại. Gia đình tôi phải xây tạm bậc tam cấp để lên xuống bức tường bô rác. Trong khi đó, nhà tôi rõ ràng là nhà mặt tiền mà lại bắt đi trong hẻm", bà Hạnh cho biết.

Ai là chủ nhân bức tường bô rác cũ?

Ông Phạm Công Phú, người sinh ra và lớn lên tại đường Mã Lộ cho biết, vị trí chốt dân phòng hiện nay là nơi đổ rác của chợ Tân Định cũng như 1 số chợ gần đó từ trước năm 1975. Bức tường được xây dựng vào năm 1984 với mục đích chắn không cho rác đổ vào nhà dân phía sau. 

04 3

Bức tường bô rác tạo thành vách ngăn giữa các ngôi nhà với mặt đường.

Sau đó, khu vực bô rác được nhà nước quy hoạch lại, rác thải của các khu chợ không còn về đây tập trung nữa mà di dời sang chỗ khác.

"Khoảng năm 1994 - 1995, bên Sở Tài nguyên - Môi trường có ý định đập bức tường đi rồi. Nhưng do chúng tôi bận rộn mưu sinh nên cũng không để ý, cứ nghĩ để tạm vậy. Tuy nhiên, đến năm 1999, ông Ba Thạnh lại xây chốt dân phòng lên, làm thành 2 lớp "nhốt" mấy ngôi nhà sau lại đến tận bây giờ", ông Phú nói thêm.

Được biết, khi kiến nghị với ủy ban phường về bức tường bô rác, chị Thủy được hướng dẫn đến gặp Công ty Dịch vụ Công ích quận 1 để giải quyết, sau đó thì lên UBND quận 1.

IMG_7906 5

Bà Hạnh phải làm bậc tam cấp để vào nhà vì bức tường bô rác cũ hiện diện 1 cách vô lý.

Trả lời VTC News, đại diện Công ty Dịch vụ Công ích quận 1 cho hay có nhận được đơn đề nghị từ người dân đường Mã Lộ về việc đập bỏ bức tường bô rác. Trong công văn trả lời dân, công ty cho biết không quản lý bức tường bô rác bỏ hoang.

"Công ty đã chủ động liên hệ với UBND phường Tân Định để trao đổi về các vấn đề trên (bức tường bô rác và chốt dân phòng - PV) và được biết UBND phường giải quyết", công văn nêu rõ.

Qua trao đổi, Ban quản lý chợ Tân Định cũng khẳng định bức tường bô rác không thuộc thẩm quyền của đơn vị quản lý.

IMG_8042 4

 Nhà bà Hạnh từng đập 1 mảng bức tường để tạo lối ra vào nhưng bị phạt và bắt trám lại.

Nếu đã từng có ý định phá bỏ và các bên liên quan đều không quản lý, thì bức tường bô rác do ai làm chủ? Tại sao người dân chỉ muốn thoát ra ngoài nhưng lại không thể đập bỏ 1 bức tường không còn tác dụng? Lý do gì chỉ phá bỏ chốt dân phòng còn bức tường bỏ hoang thì giữ lại? Đó là những câu hỏi mà người dân Mã Lộ đặt ra cho cơ quan chức năng.

Để tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên, PV VTC News đã tìm đến UBND quận 1 xin gặp lãnh đạo quận, nhưng nhân viên văn phòng yêu cầu để lại câu hỏi và số điện thoại, sẽ đặt lịch để gặp sau.

Video: Cận cảnh sự xuống cấp, hư hại của chốt dân phòng chắn nhà dân tại Quận 1

VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn