• Zalo

Ai giết dần Nokia?

Kinh tếThứ Sáu, 24/10/2014 08:13:00 +07:00 Google News

Nokia, hãng điện thoại từng thống trị thị trường điện thoại thế giới, đang không còn là lựa chọn hàng đầu của khách hàng mỗi khi họ bước vào cửa hàng điện thoại

Nokia, hãng điện thoại từng thống trị thị trường điện thoại thế giới, đang không còn là lựa chọn hàng đầu của khách hàng mỗi khi họ bước vào cửa hàng điện thoại.

Stephen Elop, CEO của Nokia, người đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng tới số phận của hãng. 
Dường như có một luật bất thành văn trong ngành công nghệ, đó là những công ty hàng đầu rồi cuối cùng cũng sẽ mất đi vị trí thống lĩnh của họ một cách nhanh chóng và bất ngờ. Nokia, hãng điện thoại danh tiếng, một trong những câu chuyện thành công nhất trong ngành công nghệ của châu Âu, không nằm ngoài quy luật đó khi trong những năm qua đã để mất rất nhiều thị phần của mình vào tay của những hãng điện thoại khác.


Năm 2007, Nokia chiếm hơn 40% doanh số bán hàng điện thoại di động trên toàn thế giới. Song lịch sử đã sang trang, những khách hàng ngày nay đang thích chuyển sang những chiếc điện thoại cảm ứng thông minh và với việc Apple liên tục tung ra iPhone trong những năm qua, thị phần và doanh số của Nokia đã sụt giảm chóng mặt. Kết quả là đến cuối năm 2013, Nokia đã phải bán mảng di dộng cho Microsoft.

Theo giới chuyên gia, tình trạng bi đát đó của Nokia xuất phát từ một loạt quyết định của Stephen Elop, người đã nắm giữ cương vị CEO (Giám đốc điều hành) của hãng từ hồi tháng 10/2010. Người ta thống kê rằng những ngày Elop cầm lái con tàu Nokia, giá trị thị trường của công ty này giảm trung bình 23 triệu USD, khiến ông trở thành một trong những CEO tồi nhất trong lịch sử, trên phương diện doanh số.

Sai lầm lớn nhất của Elop đó là đã chọn Windows Phone của Microsoft làm hệ điều hành duy nhất cho dòng điện thoại thông minh của Nokia. Trong số rất nhiều lựa chọn, Elop đã quyết gắn bó số phận của Nokia với Microsoft.

Nhưng Elop không phải là người duy nhất mắc sai lầm. Hội đồng quản trị của Nokia phản đối sự thay đổi, khiến công ty này không thể thích ứng được với những đổi mới nhanh chóng trong ngành công nghệ. Đặc biệt là Jorma Ollila, người đã dẫn dắt sự chuyển đổi của Nokia từ một tập đoàn công nghiệp thành người khổng lồ về công nghệ, đã quá say mê với những thành công trước đó của công ty để có thể nhận ra rằng thay đổi là cần thiết để duy trì sự cạnh tranh.

Để cứu vãn, Nokia cũng bắt tay vào việc triển khai một chương trình cắt giảm nhân sự tuyệt vọng, với việc cho hàng nghìn người nghỉ việc. Nhưng điều đó đã góp phần phá hỏng truyền thống của hãng, vốn khuyến khích người làm chấp nhận rủi ro để làm nên những điều phi thường. Những thủ lĩnh giỏi khăn áo ra đi mang theo tầm nhìn và định hướng phát triển của hãng. Do vậy, không ngạc nhiên khi những thiết kế giá trị nhất cùng những thiên tài về lập trình cho Nokia cũng lần lượt biến mất.

Tại sao Nokia không chọn hệ điều hành Android? Câu trả lời đơn giản: vì tiền. Hãng Microsoft cam kết trả hàng tỷ USD cho Nokia nếu chỉ sử dụng hệ điều hành Windows Phone, nhưng tiền của Microsoft cũng không thể cứu được Nokia vì không thể xây dựng một hệ thống chỉ bằng tiền.

Kinh nghiệm của Elop trước đây tại Microsoft chắc chắn cũng là một nhân tố quan trọng vì trong những tình huống khó khăn, con người ta thường quay trở về với những gì thân quen. Sau khi nghe Nokia chọn hệ điều hành Windows cho điện thoại, Giám đốc của Google - Vic Gundotra - viết trên trang Twitter rằng: “Hai con gà không thể tạo thành con đại bàng”.

Bài học cho các ông lớn

Liệu những người khổng lồ khác như Apple, Samsung và Google có tránh được bi kịch như Nokia? Giống như Nokia trong ngành công nghiệp điện thoại di động, các ông lớn này ngày nào đó cũng sẽ mất đi vị thế thống lĩnh của mình.

Để tránh đi vào vết xe đổ, đầu tiên các công ty cần phải tiếp tục đổi mới nhằm tăng cường cơ hội làm chủ được các công nghệ mới ra đời. Nếu các công ty dẫn đầu triển khai được một hệ thống giúp khám phá và nuôi dưỡng những ý tưởng mới, tạo ra một văn hóa trong đó nhân viên không sợ mắc sai lầm, họ sẽ giữ được vị trí tiên phong.


Câu chuyện tiếp theo vẫn là đổi mới, nhưng đó là phải theo kịp được những phát kiến mới. Thay vì xây dựng đối tác với các công ty nhỏ vốn quen thuộc với mô hình kinh doanh vốn có của họ, các tập đoàn lớn cần hợp tác với những doanh nghiệp có ý tưởng táo bạo có khả năng hiện thực hóa những sức mạnh tiềm tàng.

Giải pháp cuối cùng vẫn gói gọn trong hai từ đổi mới, nhưng ở đây, các hãng công nghệ hàng đầu cần không ngại bắt chước. Nếu Nokia ngay lập tức bắt đầu phát triển các sản phẩm giống như iPhone, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan tới bằng sáng chế một cách hiệu quả, ngành kinh doanh thiết bị di động của hãng hiện nay có lẽ sẽ khác.

Kinh nghiệm của Nokia là một bài học cho các ông lớn, đặc biệt là tại châu Âu. Cố gắng dìm những công nghệ mới và bảo vệ các công ty đang thống lĩnh thông qua các biện pháp chống độc quyền có thể không phải là một lựa chọn. Thực vậy, cách tiếp cận đó cuối cùng sẽ biến khách hàng thành nạn nhân. Thay vào đó, họ cần cổ vũ những cải cách về công nghệ và cạnh tranh về giá thành, giống như cách làm của Samsung, vốn buộc Apple phải hạ thấp giá thành sản phẩm iPhone.

Như vậy, bài học lớn nhất đối với trường hợp của Nokia là các công ty công nghệ không thể giành được thành công nếu chỉ đem lại niềm vui cho ban quản trị hay cố gắng kiếm được những thỏa thuận tỷ đô với các đối tác. Bất kỳ công ty nào giúp khách hàng hài lòng sẽ là kẻ chiến thắng - đó là chân lý.

Theo Báo tin tức
Bình luận
vtcnews.vn