(VTC News) - Tại Văn bản số 11/HĐ-GPMB, ngày 1/2/2010 của Hội đồng Giải phóng mặt bằng (HĐGPMB) huyện Duy Tiên trả lời khiếu nại của ông Ngọc đã khẳng định: “Đất trên do UBND xã Tiên Tân quản lý thuộc quĩ đất công ích 5% giao cho hộ ông Ngọc sử dụng theo diện khoán thầu”.
Ngày 26/4/2010, UBND huyện Duy Tiên ra quyết định số 631/QĐ-UBND, trong đó nêu rõ: Mảnh đất hơn 5.023m2 của ông Lê Hồng Ngọc trước năm 1982 được giao cho đơn vị X10. Từ năm 1982 đến năm 1988 được giao cho Tổ giống, rồi Trại cá của Hợp tác xã (HTX). Từ năm 1989 được giao cho ông Lê Hồng Ngọc và bà Nguyễn Thị Vân nhận khoán của HTX, lấy tên là Trại cá.
Theo quyết định này thì diện tích đất nói trên được ông Ngọc khai hoang, cải tạo và sản xuất hiện nay không phải là đất ruộng hoang được khai hoang, phục hoá như đơn khiếu nại ông Ngọc gửi các cơ quan chức năng.
Nguồn gốc của 5000m2 đất này vẫn đang là một "bí ẩn". |
Như vậy, việc thu hồi mảnh đất hơn 5000m2 nói trên và bồi thường cho gia đình ông Lê Hồng Ngọc 2.296.611 đồng là dựa trên căn cứ của Luật Đất đai và các văn bản liên quan.
Trong công văn số 1407/UBND-NC của UBND tỉnh Hà Nam giải đáp thắc của các cơ quan báo chí, cho biết UBND tỉnh Hà Nam đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, kết luận.
Kết quả xác định phần đất thu hồi để làm đường diện tích 5.022m2 mà ông Ngọc đề nghị theo bản đồ, hồ sơ địa chính xã Tiên Tân lập năm 1987, chủ sử dụng là Hợp tác xã.
Cũng theo công văn này, đối chiếu với bản đồ Tiên Tân lập năm 2003, diện tích này có chủ sử dụng là UBND xã. Từ năm 1989 - 1992, ông Lê Hồng Ngọc và bà Nguyễn Thị Vân nhận khoán thầu với HTX Trại Cá. Khi thực hiện Nghị định 64, các thửa đất này được chuyển thành đất công ích do UBND xã Tiên Tân quản lý, sử dụng.
Ông Ngọc là “chủ” đất
Trở lại với nguồn gốc mảnh đất 5000m2 hoang hoá gần 30 năm trước, ông Phạm Văn Quyền, nguyên Chủ tịch UBND xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên thời bấy giờ (năm 1982) khẳng định, phần đất này giao cho Quân đội nhưng không làm được, Hợp tác xã có gọi nhân dân 3 thôn đến chia nhưng không ai nhận. Sau nữa là đưa ra cho thầu nhưng cũng không ai nhận.
Cuối cùng, năm 1982, các đồng chí cán bộ HTX và UBND xã đã vận động ông Ngọc nhận làm. Gia đình ông Ngọc đã mất 10 năm đầu vất vả, khó khăn, bỏ ra nhiều công sức, tiền của để san lấp, đắp bờ, cải tạo mới trở nên màu mỡ và khai thác kinh tế được.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Nghi, 78 tuổi, cũng xác nhận việc: Năm 1982, ông Ngọc xin vùng đất ao, ruộng hoang hóa của xã để cải tạo, sử dụng. “Khi đó, vùng ruộng, ao này đã có nhiều đơn vị đến làm nhưng không làm được; ông Ngọc đã sử dụng sản xuất từ đó đến nay” – ông Nghi nêu rõ.
Trong quá trình tìm hiểu vấn đề, ông Ngọc cũng cung cấp cho chúng tôi đầy đủ các chứng từ về thuế sản xuất và các biên nhận của Ban Quản trị Hợp tác xã xã Tiên Tân về việc liên tục trong nhiều năm, từ 1989, gia đình đã phải san lấp, cải tạo các khu ruộng, đắp bờ, san gò, đống… để cải tạo diện tích đất nói trên.
Đối chiếu với các điều khoản trong Luật Đất đai và các văn bản liên quan thì phần đúng nghiêng về phía gia đình ông Lê Hồng Ngọc. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về hình thức giao sử dụng đất công ích, đối chiếu theo Luật Đất đai, nếu thực sự đất nhà ông Ngọc đang sử dụng là đất công ích thì phải được UBND xã cho thuê, có hợp đồng và không quá 5 năm. Nhưng trên thực tế, UBND xã Tiên Tân không hề có hợp đồng khoán thầu cũng như văn bản đấu giá nhận thầu với diện tích đất gia đình ông Ngọc cải tạo, sản xuất gần 30 năm qua.
Thứ hai, về nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, nếu như chính quyền các cấp từ xã đến tỉnh Hà Nam khẳng định đất gia đình ông Ngọc khai hoang, đang sản xuất thuộc quỹ đất công ích thì người nộp thuế SDĐNN phải là UBND xã Tiên Tân. Tuy nhiên, thực tế gần 30 năm qua, gia đình ông Ngọc lại là người nộp thuế SDĐNN.
Theo đó, gia đình ông Ngọc mới là người sử dụng đất vì là hộ nộp thuế, điều này căn cứ vào những hoá đơn, biên lai nộp thuế của ông Ngọc. Pháp luật cũng quy định, khi nhà nước thu hồi đất thì phải đền bù thoả đáng cho người sử dụng đất.
Đồng thời, theo căn cứ này, diện tích ông Ngọc đang sản xuất không phải là đất công ích theo kết luận của chính quyền các cấp tỉnh Hà Nam.
Thứ ba, về quy định giao đất nông nghiệp, diện tích đất mà gia đình gia đình ông Ngọc sử dụng, canh tác đủ điều kiện để tiếp tục giao cho ông Ngọc sử dụng, phần vượt quá hạn phải được Nhà nước cho ông Ngọc thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.
Gần 30 năm sử dụng đất, đã nhiều lần ông Ngọc có đơn xin thuê đất, kể cả lập dự án trang trại nhưng không được huyện Duy Tiên chấp nhận!
Cụ thể là vào năm 2000, ông Ngọc đã xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình trang trại đa canh (lúa, cá, gia cầm) trên vùng đất trũng xã Tiên Tân”. Thế nhưng, khi ông đệ trình thì bị chính quyền xã và huyện thì bị từ chối.
Năm 2008, gia đình ông Ngọc lại xây dựng đề án cải tạo, xây dựng khu kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái tại vị trí nói trên. Một lần nữa, tờ trình này lại bị từ chối mà không có lý do!
Như vậy, việc các cấp chính quyền cho rằng diện tích đất thu hồi của gia đình ông Lê Hồng Ngọc là đất công ích là sai sự thật, trái với quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, việc xác định ông Ngọc là người sử dụng đất là đúng theo quy định của pháp luật.
Kết luận từ một cuộc họp “bất thành”
Sau những kết luận không thoả đáng của UBND huyện Duy Tiên và UBND tỉnh Hà Nam, gia đình ông Lê Hồng Ngọc tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan cấp trên.
Cùng với sự phản ánh mạnh mẽ của báo chí, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề, giải quyết dứt điểm sự việc.
Đích thân Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) đôn đốc UBND tỉnh Hà Nam đối thoại với gia đình ông Ngọc.
Giấy mời đối thoại của UBND tỉnh đến muộn khiến cuộc họp...bất thành. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, Ngày 18/5, UBND tỉnh Hà Nam đã có Văn bản số 357/VPUB-NC thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất nội dung, bố trí thời gian, địa điểm và mời đại biểu các cấp, các ngành dự buổi đối thoại trực tiếp với gia đình ông Ngọc.
Về phía địa phương, tham dự buổi đối thoại có lãnh đạo UBND tỉnh (ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh); thủ trưởng các sở, ngành Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng UBND, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên, xã Tiên Tân.
Tuy nhiên, phải đến hơn 3 tháng sau, những nội dung chỉ đạo trên đây mới được thực hiện trong sự chờ đợi mòn mỏi của gia đình ông Ngọc.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 22/8/2011 ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam mới ký giấy mời số 320/ GM-UBND mời các cơ quan Trung ương và cơ quan ngôn luận về dự buổi đối thoại với gia đình ông Lê Hồng Ngọc vào hồi 8 giờ 30 ngày 24/8/2011 tại trụ sở UBND xã Tiên Tân (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).
Như vậy, theo nội dung giấy mời thì thời gian rất gấp, bởi chỉ có hai ngày để các cơ quan liên quan, cơ quan thông tấn báo chí và gia đình ông Ngọc chuẩn bị nội dung. Nhưng dù sao cũng đã thể hiện được “quyết tâm” của UBND tỉnh Hà Nam trong quá trình giải quyết vụ việc.
Đúng thời gian như giấy mời, đại diện Thanh tra Chính phủ, đại diện Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, các cơ quan ngôn luận cũng đã có mặt đông đủ. Thế nhưng, quá giờ hẹn vẫn không thấy sự góp mặt của gia đình ông Lê Hồng Ngọc, một bên không thể thiếu được của cuộc đối thoại. Nếu gia đình ông Ngọc không tới thì “nỗ lực” tổ chức cuộc đối thoại để kết luận sự việc UBND tỉnh Hà Nam không thể thực hiện!
Đang lúc thắc mắc về sự vắng mặt này, thì chị Lê Thị Dung (con gái ông Ngọc) cho biết: “Gia đình chúng tôi mong chờ cuộc đối thoại này từ lâu rồi nhưng mãi đến 7g30 sáng nay (24/8) bà… hàng xóm mới đưa cho giấy mời!? Rồi lúc 8g có anh cán bộ xã đi xe máy đến nói mời gia đình ra UBND xã để đối thoại.
Tôi cay đắng phải cầm giấy mời ra xã gặp ông Bí thư xã nhờ chuyển lại giấy mời cho ông Chủ tịch UBND tỉnh vì họ mời thế gia đình tôi "không kịp trở tay" huống chi là làm gì có thời gian mời luật sư và chuẩn bị tài liệu để đối thoại”.
Cuộc đối thoại không thể thực hiện, đại diện các cơ quan ra về, trong khi UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục thừa nhận “cấp xã có thiếu sót không ký hợp đồng giao khoán cho gia đình ông Ngọc”.
Tuy nhiên, sau sự việc này, UBND tỉnh Hà Nam đã gửi công văn về việc thông báo kết quả buổi tổ chức đối thoại do ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký. Báo cáo số 1187/UBND-NC của UBND tỉnh Hà Nam nêu rõ:
“Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/8/2011, UBND tỉnh tổ chức đối thoại, giải thích với gia đình ông Ngọc, có sự tham gia của đại diện: TTCP, Trụ sở Tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước, Báo Thanh tra và lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, lãnh đạo UBND huyện Duy Tiên và Chủ tịch UBND xã Tiên Tân.
Gia đình ông Ngọc nhận được giấy mời và đã đến trụ sở UBND xã Tiên Tân trả lại và kiên quyết không tham dự đối thoại. UBND tỉnh Hà Nam “đề nghị không tổ chức đối thoại với ông Lê Hồng Ngọc về các nội dung khiếu nại đã được các cấp, các ngành của tỉnh xem xét, giải quyết”.
Kết luận này của UBND tỉnh Hà Nam thiếu khách quan, với việc gửi “giấy mời chậm” của mình.
Phía gia đình ông Ngọc cũng tiếp tục làm đơn tố cáo gửi các cơ quan T.Ư về việc UBND tỉnh Hà Nam làm sai sự chỉ đạo của cấp trên, ông Lê Hồng Ngọc cho biết: “Đến 7 giờ 30 phút ngày 24/8/2011, con gái tôi là Lê Thị Dung mới được hàng xóm đưa cho một bức thư có đóng dấu hỏa tốc của UBND tỉnh Hà Nam.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam thông báo cho gia đình biết cuộc đối thoại được tổ chức vào 8 giờ 30 phút, sáng ngày 24/8/2011. Bác hàng xóm cho biết, vào lúc 18 giờ ngày 23//8/2011, chị văn thư của xã Tiên Tân chuyển đến, nhưng không ai có nhà nên đã gửi bà Lộc (90 tuổi-mẹ của Trưởng thôn Lão Cầu) nhờ chuyển giúp”.
Sau sự việc này, UBND tỉnh Hà Nam đã quyết định tổ chức một cuộc đối thoại khác vào ngày 6/11/2011 để giải quyết vấn đề tranh chấp.
Công Lý
Bình luận