Một vài ngày trước cuộc đàm phán về Syria, tờ Sputnik cho biết đã ghi nhận những hành vi có mục tiêu rõ ràng làm tổn hại tới uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Đầu tiên, các phương tiện truyền thông phương Tây "nhắc nhở" về vụ scandal có liên quan đến Alexander Litvinenko, một trung tá FSB đã trốn sang London vào năm 2000. Sau đó, Litvinenko và nhà sử học Yuri Felshtinsky đã viết một cuốn sách, trong đó phê bình cơ quan đặc nhiệm Nga và cá nhân ông Putin.
Litvinenko chết năm 2006 vì bị nhiễm độc chất phóng xạ polonium - 210. Phía Anh quả quyết rằng, động cơ chính trong "vụ giết hại" Litvinenko là FSB trả thù kẻ đào ngũ. Phía Nga nghiêng về giả thuyết đơn giản hơn: Litvinenko đã buôn bán chất phóng xạ và chết do sơ suất trong quá trình vận chuyển. Rồi vụ này đã lắng xuống.
Ngày 26/1, đài BBC phát hành bộ phim tài liệu có tựa đề "Sự giàu có bí mật của Putin". Bộ phim cũng đã thu hút sự chú ý. Kênh truyền hình Anh cáo buộc ông Putin "tham nhũng" trên cơ sở những bằng chứng mà trên thực tế chỉ là lời tuyên bố của một số cá nhân. Một người trong số đó, nhà chính trị học Stanislav Belkovsky, nói về "khối tài sản" của Tổng thống Nga dựa vào những nguồn tin bí mật mà ông ta không thể tiết lộ.
Tờ Sputnik đặt câu hỏi, cuộc tấn công thông tin đang được thực hiện với mục đích gì? Nội bộ nước Nga không có những người có thể tin vào những tin đồn như vậy, vì thế nên tìm kiếm người tiêu thụ trong nền chính trị quốc tế.
Mặt khác, ngày 26/1, hãng Bloomberg cho biết, năm 2016 có thể là năm cuối cùng áp dụng lệnh trừng phạt chống lại Nga. Hai ngày sau đó, nhà phân tích của Forbes Kenneth Raposa xác nhận, giới kinh doanh phương Tây quan tâm đến việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, cần phải bãi bỏ lệnh trừng phạt nếu các bên thực hiện đầy đủ thoả thuận Minsk. Còn Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nhắc nhở về việc Châu Âu cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga để giải quyết cuộc xung đột Syria.
Và đây là nguyên nhân chính của cuộc tấn công thông tin vào Tổng thống Nga - tờ Sputnik viết. Ngày 29.1, tại Geneva bắt đầu cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và các đại diện phe đối lập dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, hoạt động này được gọi là "Geneva-3".
Hiện Nga là một trong những nước chính trong quá trình giải quyết cuộc xung đột Syria. Nga đã thực hiện thành công một loạt chiến dịch quân sự chống IS, và duy trì liên lạc ngoại giao với Tổng thống Bashar al-Assad. Tình hình đang phát triển có lợi cho Mátxcơva.
Rõ ràng là, nếu Nga có thể duy trì vai trò chủ chốt trong quá trình giải quyết ở Syria, trên bản đồ địa chính trị sẽ diễn ra những thay đổi quan trọng. Nhưng, xét theo các cuộc tấn công thông tin, có những người không hài lòng với triển vọng này. Đó là nguyên nhân của các cuộc tấn công thông tin bài Nga - tờ Sputnik kết luận.
Nguồn: Lao Động
Bình luận