• Zalo

Ai đang giữ 'suất ngoại giao' chênh hàng trăm triệu đồng tại dự án Vimeco?

Kinh tếThứ Bảy, 09/05/2015 07:22:00 +07:00Google News

(VTC News) - Dù chưa xong móng, nhưng dự án chung cư CT4 Vimeco đã rao bán các suất ngoại giao với số tiền chênh từ 300 - 500 triệu đồng, vậy ai là người nắm giữ những "suất ngoại giao" này?

(VTC News) - Dù chưa xong móng, nhưng dự án chung cư CT4 Vimeco đã rao bán các suất ngoại giao với số tiền chênh từ 300 - 500 triệu đồng, vậy ai là người nắm giữ những "suất ngoại giao" này?

Mập mờ huy động vốn
 
Như báo điện tử VTC News đã phản ánh, các sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội đang rao bán rầm rộ các suất ngoại giao tại dự án CT4 Vimeco (Lô H1, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) do Công ty CP VIMECO làm chủ đầu tư.

Hiện, dự án chưa hoàn thành xong phần móng nên chỉ được phép huy động vốn tối đa là 20% số lượng căn hộ, tương ứng 80 căn. Giá chào bán trong hợp đồng góp vốn 24 triệu đồng/m2, chưa bao gồm VAT, 2% phí bảo trì, khách hàng chưa được chốt vị trí. Hiện, mỗi suất góp vốn khách hàng nộp cho chủ đầu tư khoảng 1 tỷ đồng.

Kèm theo đó, các nhà đầu tư sẽ phải trả tiền chênh ngoài cho các suất ngoại giao là 300 - 500 triệu đồng/căn. Tính sơ bộ, chủ đầu tư sẽ huy động khoảng 80 tỷ đồng vốn góp từ các cổ đông.

Công trường thi công dự án Vimeco. Ảnh: Châu Anh 
Theo quy định của nghị định 71, dự án chỉ cần làm xong hạ tầng, chưa cần xây đến cốt 00, chủ đầu tư được huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư 20% số lượng căn hộ không phải qua sàn. Nhưng, chủ đầu tư phải gửi thông báo, và danh sách khách hàng lên Sở Xây dựng. Sau đó, Sở Xây dựng sẽ có văn bản xác nhận.

Thế nhưng, trên thực tế việc chủ đầu tư tại dự án này có huy động vốn vượt quá 20% số lượng căn hộ cho phép không qua sàn hay không hiện đang rất mập mờ.

Trả lời báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Văn Thương - Phó phòng đầu tư - công ty CP Vimeco khẳng định, vừa qua công ty chỉ ký hợp đồng hợp tác với một số nhà đầu tư nằm trong diện 20% số lượng căn hộ không phải giao dịch qua sàn theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra câu hỏi, khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các khách hàng này thì phía công ty đã gửi thông báo và đã được sự chấp thuận của Sở Xây dựng hay chưa?

Ông Thương cho biết, công ty đã gửi thông báo lên Sở Xây dựng để báo cáo việc này và theo quy định hiện hành khi tiến hành huy động 20% số lượng căn hộ này, chủ đầu tư chỉ cần gửi thông báo lên cho Sở, còn Sở không cần có văn bản trả lời đồng ý hay không. Khi tiến hành huy động xong, có danh sách khách hàng, chủ đầu tư sẽ gửi danh sách này lên Sở.

Tuy nhiên, ngược lại với phần trả lời của đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Trọng Hiền - Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết, tháng 7/2015 Luật kinh doanh bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực và chủ đầu tư không cần phải báo cáo Sở Xây dựng về số lượng 20% căn hộ huy động vốn khi dự án chưa xây xong móng. Còn lại, trước thời điểm tháng 7/2015, các chủ đầu tư vẫn phải báo cáo và phải có xác nhận của Sở Xây dựng về việc huy động vốn này.  

Đặc biệt, theo bản danh sách mà phía công ty CP Vimeco cung cấp cho báo chí, những cổ đông tham gia góp vốn vào dự án có rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Tổng công ty CP Vinaconex như ông Thân Thế Hà và ông Lê Doanh Yên hiện giữ chức Phó tổng giám đốc tổng công ty CP Vinaconex.  

Tại đại hội cổ đông thường niên của công ty CP Vimeco vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Vimeco cho biết, công ty đã thực hiện việc huy động vốn tại dự án chung cư CT4 Vimeco và ưu  tiên cho những cổ đông hiện hữu của công ty được tham gia góp vốn.

Trong đó, phía Tổng công ty Vinaconex chiếm 51% cổ phần, 1 cổ đông khác là công ty An Quý Hưng chiếm 13,5%. Như vậy, nhiều khả năng các suất ngoại giao góp vốn đều là cổ đông nội bộ trong công ty CP Vimeco.

Nợ vượt 12 lần vốn điều lệ

Một trong những câu hỏi lớn được nhiều người quan tâm là năng lực tài chính của chủ đầu tư này đến đâu khi nợ vượt 12 lần vốn điều lệ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014, dòng tiền lưu chuyển trong hoạt động đầu tư của Vimeco có quy mô khá nhỏ, chỉ khoảng 30,7 tỷ đồng. Số tiền chi chủ yếu cho hoạt động đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định…

Trong khi ấy, tiền lưu chuyển từ hoạt động tài chính lại tăng rất mạnh. Đáng chú ý, trong năm 2013-2014, Vimeco nhận được khoản tiền vay dài hạn và ngắn hạn lần lượt là 417,9 tỷ đồng và 531 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty cũng chi tương ứng tới 489,6 tỷ đồng và 492 tỷ đồng để chi trả nợ gốc vay.

Được biết, từ năm 2011, Vimeco đã lên kế hoạch huy động vốn đầu tư dự án này. Theo đó, công ty sẽ triển khai xây dựng tòa nhà CT4 với quy mô 39 tầng, tổng vốn đầu tư hơn 2.169 tỷ đồng. Phương án huy động vốn là phát hành cổ phiếu để tăng vốn thêm 130 tỷ đồng, lên mức 195 tỷ đồng. Phần vốn tăng thêm này được dùng làm vốn đối ứng, cùng với việc vay ngân hàng, Vimeco dự tính sẽ có tiền thi công được phần móng tòa nhà. Sau đó, sẽ tiến hành kinh doanh dự án để có tiền triển khai tiếp.

Thế nhưng, kế hoạch phát hành cổ phiếu đã không thực hiện được, khiến dự án vẫn trong tình trạng nằm “quây tôn” để cỏ mọc hoang dại suốt 3 năm qua.

Giữa năm 2013, khi xuất hiện cổ đông lớn là Công ty TNHH An Quý Hưng, sở hữu tới 13,53% vốn điều lệ Vimeco thì dự án CT4 mới có hi vọng được “hồi". Năm 2014, Vimeco đã tiến hành tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ và khởi động lại dự án CT4.

Theo thông tin công bố, dự án CT4 vẫn cao 39 tầng, có 400 căn hộ nhưng, quy mô vốn dự án lại giảm một nửa, chỉ còn 1.226 tỷ đồng (!?).

Đáng chú ý, năm 2013-2014, Vimeco bắt đầu tăng quy mô nợ rất lớn, mà chủ yếu là nợ vay ngắn hạn, phải trả người bán, và người mua trả tiền trước… Cuối năm 2013, tổng nợ phải trả tăng mạnh lên tới 621 tỷ đồng, và tiếp tục tăng lên gần 834 tỷ đồng vào cuối năm 2014, tức gấp 3,95 lần vốn chủ sở hữu.

Tại thời điểm 31/12/2014, Vimeco có nợ vay ngắn hạn và dài hạn của nhiều ngân hàng, cá nhân với tổng nợ hơn 281,83 tỷ đồng (gồm cả 28 tỷ đồng nợ của công ty con- Vimeco MT). Công ty đã vay của nhiều chi nhánh ngân hàng như BIDV, MB, Vietinbank… Tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng gồm nhiều máy móc, phương tiện, xe, trạm trộn bê tông, hợp đồng tiền gửi, quyền đòi nợ từ công trình thi công… Và một số khoản vay ngân hàng đã không có tài sản thế chấp!  

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn