Theo tìm hiểu của PV VTCNews, giá nước sinh hoạt bán cho người dân ở thành phố Vinh (Nghệ An) đang ở mức cao, cao nhất là 14.500 đồng/m3. Trong mức giá đó, người dân phải “gánh” trả tiền cho công ty cung cấp nước thô lên tới 1.950 đồng/m3 nước thô (tương đương 3.000 đồng/m3 nước sinh hoạt). Việc mua nước sinh hoạt giá cao này đã kéo dài nhiều năm khiến người dân TP Vinh phải chi thêm vài chục tỷ đồng. Vậy nguyên nhân do đâu?
Từ bản thỏa thuận cho tư nhân “độc quyền” cung cấp nước thô...
Ngày 28/1/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có bản “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô” do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền ký với Công ty CP Cấp nước Sông Lam (công ty tư nhân) với nhiều nội dung, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như:
UBND tỉnh Nghệ An cam kết, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An (100% vốn Nhà nước) ký kết “Hợp đồng cung cấp nước thô từ sông Lam” để tiếp nhận và đảm bảo tiêu thụ toàn bộ khối lượng nước thô do Công ty CP cấp nước Sông Lam cung cấp trong suốt thời gian hoạt động của dự án (50 năm),
Mức giá nước thô chưa thuế GTGT là 1.950 đồng/m3 (tương ứng với tổng mức đầu tư dự án 496 tỷ đồng). Từ năm thứ 2 trở đi, cứ 2 năm tăng giá 1 lần, với mức tăng 12%, tăng đến năm 2030.
Như vậy, kể từ ngày 28/1/2015, khi dự án cấp nước thô của công ty CP cấp nước sông Lam đi vào hoạt động thì công ty cấp nước Nghệ An phải mua toàn bộ nước thô của công ty cấp nước Sông Lam để sản xuất nước sạch. Và cũng từ đó, mỗi hộ dân sử dụng nước sạch ở TP Vinh phải trả 3.000 đồng/m3 nước sạch cho công ty cấp nước sông Lam.
… đến việc 2 Phó Chủ tịch tỉnh ký 2 văn bản “so le” cách nhau 1 ngày
Điều đáng nói, ngày 28/1/2015, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký bản thỏa thuận với Công ty CP Cấp nước Sông Lam có nội dung "chỉ đạo Công ty Cấp nước Nghệ An phải lấy toàn bộ nước thô của Công ty cấp nước Sông Lam để sản xuất nước sạch, nhằm thay thế nguồn nước thô đang bị ô nhiễm từ hệ thống sông Đào do quá trình ô nhiễm", thì chỉ 1 ngày sau, ngày 29/1/2015 ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lại ký Giấy phép số 390/GP_UBND cho phép "công ty cấp nước Nghệ An được lấy nước từ sông Đào để sản xuất nước sạch cho người dân TP Vinh".
Đặc biệt, ngày 14/6/2019, trong cuộc họp với các sở ngành, đại diện Sở TNMT Nghệ An (đơn vị có nhiệm vụ quan trắc theo dõi nguồn nước thô sử dụng sản xuất nước sạch) khẳng định nguồn nước sông Đào: “Qua kết quả quan trắc thì có 1 số chỉ tiêu vượt quy chuẩn, nhưng không đáng kể, chưa ô nhiễm nguồn nước”.
Với việc lấy nước từ sông Đào để sản xuất nước sạch thì người dân ở TP Vinh chỉ trả 900 đồng/m3 nước thô, rẻ hơn 50% giá nước thô của công ty cấp nước Sông Lam.
Theo tìm hiểu của PV, trong 3 năm qua, Công ty Cấp nước Nghệ An đã thu tiền của người dân TP Vinh trả cho Công ty cấp nước Sông Lam là 83 triệu m3 nước thô (tương đương khoảng 160 tỷ đồng). Trong khi công ty cấp nước Sông Lam chỉ trả cho nhà nước với mức giá 52 đồng/m3 nước thô.
Ông Lê Đình Hoan, Thành viên HĐQT Công ty Cấp nước Nghệ An cho biết, nước sinh hoạt do công ty cung cấp đến các hộ dân đều đạt tiêu chuẩn theo quy định. Định kỳ hàng tháng, Trung tâm y tế dự phòng (Sở Y tế Nghệ An) lấy mẫu để thử nghiệm. Gần nhất là tháng 5/2019, các mẫu nước sạch do nhà máy nước Hưng Vinh và Cầu Bạch sản xuất đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 01:2009/BYT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.
“Giá nước thô mà công ty cấp nước Sông Lam với giá 1.950 đồng/m3 là quá cao nên khiến giá nước sinh hoạt của người dân TP Vinh cao. Nếu công ty cấp nước Sông Lam không hạ giá bán nước thô để giảm giá bán nước sinh hoạt cho người dân TP Vinh thì công ty chúng tôi sẽ xin tỉnh Nghệ An đầu tư một dự án cấp nước thô tương tự như của công ty cấp nước Sông Lam nhưng chỉ bán với giá khoảng 500 đồng/m3 nước thô (so với hiện tại là 1.950 đồng/m3)”, ông Hoan cho biết thêm.
Do công ty cấp nước Nghệ An và Công ty cấp nước Sông Lam chưa thống nhất lại được giá bán nước thô nên từ ngày 21/12/2018 Nhà máy nước Hưng Vĩnh (thuộc Công ty cấp nước Nghệ an) chỉ mua nước thô của công ty cấp nước Sông Lam từ khung giờ 6h đến 22h hàng ngày. Đến ngày 27/4/2019, Nhà máy nước Cầu Bạch (thuộc Công ty cấp nước Nghệ An) dừng hoàn toàn việc mua nước thô, thay vào cả 2 nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch bơm nước sông Đào lên để sản xuất nước sinh hoạt.
Trước việc nguồn tiêu thụ nước thô bị giảm, Công ty cấp nước Sông Lam có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị giải quyết. Đồng thời có thông tin cho rằng Công ty cấp nước Nghệ An hút nước sông Đào ô nhiễm để sản xuất nước sạch. Do đó, ngày 13/6/2019, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Xây dựng Nghệ An chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết sự bất đồng giữa công ty cấp nước Sông Lam và công ty cấp nước Nghệ An, đồng thời kiểm tra làm rõ nguồn nước thô sử dụng tại nhà máy nước Cầu Bạch và Hưng Vĩnh (thuộc công ty cấp nước Nghệ An).
"Sau khi làm việc với các ngành và các bên liên quan, do đây là vấn đề lớn, phúc tạp có một số nội dung không thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng nên Sở Xây dựng kiến nghị: UBND tỉnh tổ chức cuộc họp, làm việc với các đơn vị liên quan để xem xét việc xác định nguồn nước thô để cấp cho nhà máy nước Cầu Bạch và Hưng Vĩnh sản xuất nước sạch. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính sớm kiểm toán xác định giá trị dự án, xây dựng giá nước thô do công ty cấp nước Sông Lam cung cấp, để làm cơ sở cho việc Thỏa thuận lại Hợp đồng dịch vụ cấp nước thô, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp cấp nước và người sử dụng nước sạch", Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đình Lợi nêu trong báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, hàng ngàn hộ dân TP Vinh trả tiền nước thô cho Công ty cấp nước Sông Lam mức giá 1.950 đồng/m3 là quá cao, trong khi người dân ở các tỉnh thành khác như Hà Tĩnh chỉ phải trả chi phí nước thô là khoảng 70 đồng/m3, Nam Định là 95 đồng/m3; các tỉnh khác như Quảng Trị, Điện Biên, Tuyên Quang, Hải Dương, Phú Thọ… chỉ ở mức 52 đồng/m3.
Việc giá nước thô cao khiến giá nước sinh hoạt tăng cao. Hiện nay, giá nước sinh hoạt dùng cho các hộ dân cư ở TP Vinh (Nghệ An) có giá thấp nhất là 8.300 đồng/m3, cao nhất là 14.500 đồng/m3; nước sinh hoạt dùng cho các cơ quan hành chính có giá 13.000 đồng/m3; nước dùng cho hoạt động sản xuất vật chất có giá 16.200 đồng/m3;
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc...
Bình luận