Chưa có cơ quan nghiên cứu ngoại cảm nghiêm túc
Đó là khẳng định của TS Nguyễn Ngọc Mai, Trưởng phòng Nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng truyền thống, Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Bà Mai cũng được biết đến là một trong số ít người đã và đang nghiên cứu về con người, tâm linh một cách bài bản nhất ở Việt Nam hiện nay.
Theo TS Nguyễn Ngọc Mai, ngoại cảm là hiện tượng có thật. Nó đã xuất hiện từ lâu trên thế giới với sự ra đời của nhiều nhà ngoại cảm chứ không riêng gì ở Việt Nam. Họ dùng ngoại cảm vào nhiều việc khác nhau, không riêng gì việc áp vong, gọi hồn.
Thế giới cũng đã nghiên cứu về ngoại cảm từ lâu. Chẳng hạn, trường phái duy linh, tâm linh học của Anh đã nghiên cứu từ thế kỷ XVII - XVIII. "Có điều, Việt Nam lâu nay ít chú ý đến vấn đề ngoại cảm và chưa có cơ quan khoa học nào nghiên cứu về nó một cách nghiêm túc. Mặc dù chúng ta đã có Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, nay đã thành lập Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người, thế nhưng ở viện này chưa có công trình khoa học nào có tiếng vang về ngoại cảm", TS Nguyễn Ngọc Mai nói.
Bà Hoàng Thị Thiêm thể hiện khả năng bịt mắt đọc báo. |
TS Nguyễn Ngọc Mai cho rằng: "Ngoại cảm là cảm nhận những thứ bên ngoài mình mà không bằng tác động vật lý nào. Trên thế giới, những người xuất hiện khả năng đặc biệt, phi thường gọi là khả năng tâm linh và thời điểm có khả năng xảy ra thì gọi là xuất hiện tâm linh. Còn ở Việt Nam gọi là khả năng ngoại cảm". Cũng theo bà Mai thì khả năng tâm linh được biểu thị ở nghĩa rộng hơn so với ngoại cảm, hay nói cách khác, ngoại cảm chính là một dạng của khả năng tâm linh.
Bà nhấn mạnh, tất cả những dạng phi thường đều được đưa vào dạng khả năng tâm linh của con người. Những dạng phi thường bao gồm: Bằng mắt nhìn khiến đồ vật bị cong hoặc tự di chuyển; nghe được âm thanh, nhìn được hình ảnh trong thế giới tự nhiên mà người khác không nghe thấy, không nhìn thấy; cảm nhận được người khác đang làm gì, đang hướng về mình như thế nào; tiếp xúc được với thế giới người âm, gọi là áp vong gọi hồn (ngoại cảm); nhìn thấy những công thức vật lý tồn tại trong không trung như Nicola Tesla (Nga)... Tất cả những dạng này chính là khả năng tâm linh của con người.
TS Nguyễn Ngọc Mai: "Chưa có cơ quan khoa học nào nghiên cứu về ngoại cảm một cách nghiêm túc". |
TS Nguyễn Ngọc Mai phân tích thêm: Cũng giống như khả năng tâm linh, ngoại cảm được biểu hiện rất đa dạng. Người có khả năng ngoại cảm có thể thần giao cách cảm, có thể nhìn thấy, nghe thấy, dự cảm thấy điều gì đó. Ví như hai người yêu nhau ở rất xa nhau nhưng một người bị ốm bệnh, lúc hấp hối, người ta với tay lấy cái ly nước bằng thủy tinh bên trong có chiếc thìa bằng bạc. Chiếc cốc này không may bị rơi xuống, tiếng thìa gõ vào cốc thủy tinh rồi rơi xuống nền nhà khiến người bạn kia dù ở rất xa cũng có thể nghe thấy, nhìn được hình ảnh đó.
"Đó hoàn toàn là khoa học. Nó là một dạng sóng phát ra và người ta bắt được tín hiệu sóng đó. Vì khi người ta sắp mất đi thì họ hay nhớ đến người thân yêu nhất, gắn bó nhất với mình, khi đó từ trường sóng phát ra. Người nào có sóng phù hợp sẽ bắt được sóng đó, cảm nhận được rằng bạn mình sắp ra đi", bà Mai lý giải.
Một dạng của ngoại cảm nữa là người ta biết trước được cái chết của mình. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nằm mơ chứng kiến đám tang có lính gác xung quanh, một người lính gác cho biết đó là đám tang của Tổng thống. Một tuần sau, ông bị ám sát.
Ngoài ra, ngoại cảm còn được thể hiện ở việc kết nối được với người âm. Phải hình dung vũ trụ có nhiều thứ gồm cả có hình ảnh và phi hình ảnh. Tất cả các vật tồn tại trong vũ trụ đều phát ra sóng. Nhà ngoại cảm là người bắt được sóng đó và ghi nhận lại trong bộ não. Đó là lý do vì sao người ta có thể giao tiếp với người âm, đi tìm mộ... "Như vậy, ngoại cảm không phải chỉ duy nhất việc áp vong, tìm mộ", bà Mai khẳng định.
Theo TS Vũ Thế Khanh, bất cứ ai cũng có thể xuất hiện khả năng ngoại cảm. |
Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA): "Khả năng ngoại cảm thông thường xuất hiện sau một biến cố về sức khoẻ, một sự thay đổi nào đó mang tính chất bước ngoặt, đột biến về sinh học, tâm sinh lý của con người.
Có khi trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh, sau khi bị một cú ngã mạnh, bị chó dại cắn... khiến một người bình thường bỗng dưng trở thành nhà ngoại cảm. Những tai nạn, biến cố đó giống như khi ta đá vào công tắc điện khiến nó bật sáng. Đèn bật lên thì mở lên một kênh năng lượng nào đó mà chúng ta gọi là khả năng ngoại cảm. Điều đó đồng nghĩa khả năng ngoại cảm có thể xuất hiện ở bất cứ người nào và bất cứ lứa tuổi nào.
Tuy nhiên, cũng có những người trở thành nhà ngoại cảm bằng con đường học hành nghiên cứu một cách bài bản. Có thể ví đó là những "kỹ sư điện". Họ có thể tự mình bật công tắc điện ấy lên, họ biết rõ đường dây điện thế nào. Họ có thể chủ động tắt hoặc mở công tắc đó. Thậm chí là tắt rồi nhưng họ vẫn nối dây để bật lại được. Tuy nhiên là số người này lại rất hiếm.
TS Nguyễn Ngọc Mai bổ sung thêm, có người ngay từ khi sinh ra đã có khả năng ngoại cảm, gọi là ngoại cảm bẩm sinh. "Tuy nhiên, số này cực hiếm, chủ yếu là do một sang chấn tâm lý nào đó (chứng kiến anh trai đột tử như ông Nicola Tesla) hay bị ốm thập tử nhất sinh nhưng vẫn sống như bà Tường Linh (Trung Quốc) có thể khiến cá chết khi bà nhìn chăm chú...", bà Mai cho hay.
Theo Kiến thức
Bình luận