• Zalo

Ai Cập dự World Cup: Thảm sát kinh hoàng và sự trỗi dậy của thế hệ Salah

World Cup 2018Thứ Hai, 04/06/2018 07:15:00 +07:00Google News

Sáu năm sau cuộc thảm sát xóa sổ toàn bộ hệ thống giải quốc nội, bóng đá Ai Cập đang trải qua những ngày tháng tươi đẹp chưa từng có.

Cách đây hơn 10 năm, bóng đá Ai Cập từng có một giai đoạn hoàng kim với 3 chức vô địch châu Phi liên tiếp (2006, 2008 và 2010). Tuy nhiên đội hình được gọi là "thế hệ vàng" của xứ kim tự tháp lại thất bại trong nỗ lực giành quyền tham dự đấu trường thế giới.

Hết chu kỳ thành công, giấc mơ World Cup của bóng đá Ai Cập tưởng chừng như phải gác lại thêm một thời gian rất dài nữa, sau tấn thảm kịch bên bờ kênh đào Suez vào năm 2012.

ai cap 2010

 ĐT Ai Cập từng vô địch châu Phi 3 lần liên tiếp.

Thảm sát ở Port Said

Những chuyến làm khách ra ngoài thủ đô Cairo vốn không phải là thử thách tiềm ẩn nhiều nguy cơ với Al Ahly, đội bóng vĩ đại nhất của Ai Cập. CLB hơn 100 tuổi này chỉ có một đại kình địch ở đấu trường quốc nội là Zamalek với trận derby được xếp vào hàng ác liệt nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí World Soccer.

Nhưng Al Ahly và các cổ động viên của đội bóng này không thể lường trước được nỗi kinh hoàng chờ đón họ trong lần hành quân đến bên bờ kênh đào Suez ngày 1/2/2012. Dòng chữ “Bọn ta sẽ giết sạch các người” treo trên khán đài sân Port Said hóa ra không chỉ là khẩu hiệu dằn mặt của các CĐV đội chủ nhà Al Masry. Họ thực sự khiến cho các vị khách phải bỏ mạng tại đây theo đúng nghĩa đen.

Al Masry giành chiến thắng, nhưng điều đó không thể ngăn được vụ bạo loạn xảy ra ngay sau tiếng còi mãn cuộc. Hàng ngàn CĐV chủ nhà cầm dao, pháo sáng và tất cả những vật dụng có thể dùng làm vũ khí, tràn xuống sân tấn công đội khách.

Khi cầu thủ và ban huấn luyện hai đội chạy trốn được vào phòng thay đồ, những kẻ quá khích hướng mục tiêu lên khán đài nơi CĐV Al Ahly hoàn toàn lép vế về số lượng và không có đường trốn chạy. Mọi lối thoát đều bị bịt kín, trong khi lực lượng an ninh ngó lơ hoàn toàn. Các vị khách giống như rơi vào một cái bẫy chết người được dàn dựng từ trước. Không ai cứu được họ khỏi tấn thảm kịch.

Sân Port Said trở thành hiện trường của vụ thảm sát khiến 74 người chết và hơn 500 người bị thương. Chính phủ Ai Cập gọi đây là thảm họa khủng khiếp nhất lịch sử bóng đá nước này.

al ahly 3

 Cầu thủ Al Ahly hốt hoảng tìm đường vào phòng thay đồ khi CĐV Al Masry tràn xuống sân tấn công.

Nhiều tài liệu nghiên cứu gọi bóng đá Ai Cập thời kỳ này là mớ hỗn độn không thể tách khỏi yếu tố chính trị. Chính điều đó là nguồn gốc sâu xa dẫn đến bi kịch ở Port Said. Khi sự kiện ngày 1/2/2012 xảy ra, dư luận Ai Cập và quốc tế không coi đó là một hiện tượng quá khích nhất thời của các cổ động viên bóng đá. 

Cuộc thảm sát xảy ra vào thời điểm tròn một năm sau vụ xung đột ở Quảng trường Tahrir, khi phe ủng hộ Tổng thống Hosni Mubarak tấn công vũ trang vào đoàn biểu tình chống chính quyền mà phần lớn là các cổ động viên "cuồng tín" của Al Ahly (Ultras Ahlawy). Thực tế, Ultras Ahlawy cũng tham gia tích cực vào các hoạt động của phong trào Mùa xuân Ả Rập tại Cairo.

Sự trùng hợp này làm dấy lên những nghi ngờ. Thuyết âm mưu về đòn thù chính trị càng có thêm cơ sở khi cảnh sát bỗng nhiên buông lỏng hoạt động kiểm tra an ninh trước trận đấu và gần như không có phản ứng gì trong màn bạo loạn.

Sự sụp đổ của đế chế

Thảm kịch Port Said như một nút bấm đưa bóng đá Ai Cập trở về "thời kỳ đồ đá". Hệ thống giải vô địch quốc gia bị hoãn lại trong hai năm, đủ để khiến các CLB cũng như đội tuyển quốc gia của xứ kim tự tháp lao đao.

Mohamed Aboutrika, ngôi sao lớn nhất của Ai Cập ở thời điểm đó, cùng 2 tuyển thủ quốc gia khác tuyên bố giải nghệ ngay trong ngày xảy ra cuộc thảm sát. Tiền đạo của Al Ahly tận mắt nhìn thấy một CĐV trẻ tuổi của đội nhà bị đuổi đánh vào tận phòng nghỉ và bỏ mạng ngay trước sự chứng kiến các thành viên của đội bóng.

aboutrika 5

 Aboutrika là một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất của bóng đá Ai Cập.

Aboutrika rút lại quyết định này và cống hiến nốt 2 năm cuối sự nghiệp khi CLB và ĐTQG đang trong cảnh khó khăn. Al Ahly vẫn đủ sức vô địch châu Phi, nhưng đội tuyển Ai Cập thì không. Sau khi vắng mặt ở giải châu Phi (AFCON) 2011, đội bóng của các Pharaoh tiếp tục lỡ hẹn với giải đấu thêm 2 lần liên tiếp và không vượt qua được vòng loại World Cup 2014.

"Lịch sử của bóng đá Ai Cập bị xóa sổ và không thể nào khôi phục được nữa", Chủ tịch LĐBĐ Ai Cập Sarwat Swelam phát biểu vào năm 2013. Ông muốn nói đến việc toàn bộ các tư liệu, kỷ vật được lưu trữ ở trụ sở LĐBĐ Ai Cập bị đốt thành tro trong cuộc nổi loạn của các Ultras Ahlawy. Câu nói này cũng có thể là một phép ẩn dụ để nói về tình cảnh khi đó của bóng đá Ai Cập.

Thế hệ Salah và sự trở lại của "Vua châu Phi"

Mọi bất lợi đều có lợi thế của nó, theo lời huyền thoại Johan Cruyff. Việc giải quốc nội không hoạt động chính thức (các đội bóng vẫn thi đấu giao hữu trong các sân đấu đóng cửa) trong 2 năm mở ra một xu thế mới cho đội tuyển Ai Cập. 

Trước năm 2012, đội tuyển Ai Cập không có nhiều cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài. Đội hình của họ chủ yếu là các thành viên của Al Ahly và Zamalek. Trong khi đó, các đội tuyển mạnh khác của châu Phi luôn có nòng cốt là các ngôi sao thi đấu ở châu Âu.

Khi giải quốc nội bị gián đoạn, lẽ dĩ nhiên LĐBĐ Ai Cập phải hướng tầm quan sát tới những giải đấu ở nước ngoài nhiều hơn. Có tới hơn một nửa danh sách sơ bộ dự World Cup 2018 của đội tuyển Ai Cập không chơi bóng trong nước, trong đó 11 người đang thi đấu ở châu Âu.

egypt_v2-14-1556291 6

 Salah là người hùng đưa Ai Cập trở lại World Cup.

Mohamed Salah đương nhiên là đại diện ưu tú nhất trong số các sản phẩm xuất khẩu của bóng đá Ai Cập. Thật trùng hợp, chính thảm kịch Port Said là bước đệm đưa cầu thủ sinh năm 1992 đến lục địa già. Việc Salah trở thành đầu tàu dẫn dắt đội tuyển Ai Cập tìm lại vinh quang giống như sự lựa chọn của định mệnh.

Ngày 16/3/2012, Salah tham dự trận đấu tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát trước đó hơn một tháng và ghi 2 bàn vào lưới CLB Basel. Vài tuần sau, anh chính thức ký hợp đồng với đội bóng của Thụy Sĩ. Phần còn lại của cuộc hành trình có lẽ không cần phải nhắc thêm nữa.

Cú đá phạt đền của Salah vào lưới Congo ở phút bù giờ thứ tư là khoảnh khắc mang tính biểu tượng. Cổ động viên Ai Cập lại tràn xuống sân, đổ ra đường khắp Cairo, nhưng không phải là Mùa xuân Ả Rập hay đòn thù chính trị. Ngày 8/10/2017, tức hơn 2.064 ngày sau thảm kịch Port Said, Ai Cập lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup sau hơn 3 thập kỷ chờ đợi!

Trong biển người ăn mừng trên sân vận động Borg El Arab sau trận đấu với Congo, có 2 nhân vật được các thành viên của đội tuyển Ai Cập kiệu lên vai tung hô. Ngoài Salah là đội trưởng Essam El Hadari.

Nếu Salah là người hùng, là biểu tượng cho bóng đá Ai Cập sau thảm họa thì El Hadari là chứng nhân lịch sử, trải qua tất cả mọi biến động thăng trầm cùng đội tuyển của các Pharaoh với hơn 20 năm cống hiến.

el hadary

 El Hadary là chứng nhân lịch sử, trải qua 20 năm thăng trầm cùng ĐTQG Ai Cập.

Thủ môn kỳ cựu này từng cùng đội tuyển Ai Cập đi qua giai đoạn hoàng kim, nếm trải cảm giác dưới vực sâu khủng hoảng rồi lại trỗi dậy tìm đến vinh quang. Nếu LĐBĐ Ai Cập muốn làm lại những tài liệu đã mất trong vụ cháy năm 2013, có thể họ sẽ tìm đến El Hadari.

Ở tuổi 45, El Hadari sẽ là cầu thủ lớn tuổi nhất được góp mặt, thậm chí là ra sân ở một kỳ World Cup.

Ngân Hà
Bình luận
vtcnews.vn