• Zalo

Ai biến đường Trường Chinh cong như rắn lượn?

Thời sựThứ Ba, 08/04/2014 08:28:00 +07:00Google News

Dự án đường Trường Chinh có bị các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị liên quan cố tình uốn cong hay không? Nếu có thì bị uốn cong như thế nào, từ bao giờ?

Dự án đang khẩn trương thi công đến đoạn từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo sông Lừ thì một số hộ dân khiếu kiện, cho rằng dự án bị bẻ cong, né nhà quan chức.

Dự án mở rộng đường Trường Chinh khởi công tháng 10/2013 với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng (riêng chi phí giải phóng mặt bằng 2.022 tỷ).


Lập chỉ giới đường đỏ: Từ thẳng thành cong


Để làm rõ nghi vấn dự án có bị bẻ cong hay không, nhóm PV đã lục lại hồ sơ dự án, trên cơ sở đó làm sáng tỏ vấn đề người dân quan tâm: Dự án có bị các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị liên quan cố tình uốn cong hay không? Nếu có thì bị uốn cong như thế nào, từ bao giờ? Vì sao một con đường vốn khá thẳng như hiện tại, khi mở rộng lại bị uốn cong?
Đường Trường Chinh mở rộng bị nắn cong nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Niên.
Đường Trường Chinh mở rộng bị nắn cong nhìn từ trên cao. Ảnh: TNO.  
Qua tài liệu thu thập được cho thấy, câu trả lời là dự án đường Trường Chinh đã bị uốn cong. Một lãnh đạo Văn phòng UBND Thành phố (xin không nêu tên) khẳng định “đúng là có việc nắn cong”. “Việc nắn cong này là cong so với những chỉ giới quản lý quy hoạch mà thành phố đã quản lý trước đó, ví dụ như Quy hoạch 108/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và những quy hoạch trước đó”, vị cán bộ nói.

Vì vậy, để trả lời dư luận, UBND TP Hà Nội đã phải vào cuộc. Ngày 18/3/2014, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi trực tiếp ký văn bản số 1872/UBND-QHXDGT gửi Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ trả lời thắc mắc của các hộ dân, mà trong đó nhiều chủ hộ là cán bộ, sỹ quan quân đội, thuộc phạm vi dự án.
Bản vẽ kỹ thuật phóng tuyến trước (dưới) và sau khi điều chỉnh
Bản vẽ kỹ thuật phóng tuyến trước (dưới) và sau khi điều chỉnh 
Ông Khôi khẳng định: “Chỉ giới đường đỏ của tuyến đường vành đai 2 được xác định phù hợp với quá trình quản lý quy hoạch trong nhiều năm, đảm bảo khớp nối thống nhất với các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Đối với đoạn tuyến qua khu vực Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân (PK-KQ) và các đơn vị Quốc phòng (đoạn từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo sông Lừ), trong quá trình xác định Chỉ giới đường đỏ, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan của Thành phố gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Tư lệnh PK-KQ, hồ sơ đã được Bộ Tư lệnh PK-KQ thống nhất, kiến nghị phương án xác định Chỉ giới đường đỏ (ghi trực tiếp tại bản vẽ Chỉ giới đường đỏ do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập ngày 18/10/2000 kèm theo Công văn số 301/PK-KQ ngày 14/5/2001 của Bộ Tư lệnh PK-KQ)”.


Theo lãnh đạo Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã xem xét, thống nhất với Thành phố Hà Nội tại công văn số 762/BQP-TM ngày 12/2/2007 về Chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh. Căn cứ vào ý kiến thống nhất đó, Thành phố đã có Quyết định số 19/2008/QĐ-UBND ngày 31/3/2008 phê duyệt hồ sơ Chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh, đoạn từ đường Vương Thừa Vũ đến Ngã Tư Vọng.

Cong nhiều, cong ít và “cong cho phép”

Quá trình tìm hiểu tại các đơn vị liên quan cho thấy, khi lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án đường Trường Chinh có cả phương án thẳng (theo định hướng các quy hoạch trước đó) và sẽ mở rộng dự án đều hai bên (phía Bắc mở rộng thêm 20m). Phương án thứ hai là phương án nắn cong.

Nhìn trên bản vẽ (1/500) và qua thuyết minh của Chủ đầu tư, phương án cong hình thành do đường phải lượn từ phía Bắc sang phía Nam rồi lại lượn trở lại lên phía Bắc. Đoạn lượn là từ khoảng hồ Hố Mẻ đến cống Chéo sông Lừ (theo thỏa thuận về Chỉ giới đường đỏ giữa Thành phố Hà Nội và Bộ Quốc phòng). Do đoạn này chỉ mở rộng về phía Bắc 6m (thay vì 20m như các đoạn khác), vì vậy đường bắt đầu cong nhiều về phía Nam.

Vấn đề là đường Trường Chinh sau khi được lập Chỉ giới đường đỏ cong nhiều hay ít, khiến dư luận phản ứng? Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết: Nếu nói đường bị uốn cong quá như “ghi đông xe đạp” thì không đúng.

Theo thiết kế, nhìn trên bản vẽ phải chú ý mới thấy là nó có chỗ cong. Nhưng đấy là bờ cong cho phép. Nếu không thiết kế đường cong chuyển tiếp như thế, đường sẽ bị gấp khúc, tạo bất hợp lý về giao thông, khó chấp nhận, gây mất an toàn. Với dự án như đường vành đai 2, có mặt cắt rộng từ 53,5 đến 57,5m thì bán kính cong (R=600m) như đã thiết kế là hoàn toàn cho phép.

“Đúng là trong dự án này đường bị cong ở đoạn giữa (từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo sông Lừ), do đoạn này mở rộng về phía Nam nhiều hơn, trong khi hai đoạn đầu Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng mở rộng về phía Bắc nhiều hơn. Nhưng đứng tại một điểm ở Ngã Tư Vọng vẫn có thể nhìn thấy một điểm ở Ngã Tư Sở trên một trục thẳng” - Ông Bảo cho hay.
Hôm nay họp báo về nghi vấn bẻ cong đường Trường Chinh

Tin từ Ban Tuyên giáo Thành phố Hà Nội cho biết, tại cuộc họp giao ban báo chí chiều nay (8/4), Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội và các cơ quan liên quan sẽ báo cáo về Dự án mở rộng đường Trường Chinh. Tại cuộc họp, Sở QHKT và các đơn vị liên quan sẽ trả lời, làm rõ dự án đường Trường Chinh có bị uốn cong như báo chí đã phản ánh hay không. Nếu có uốn cong thì việc uốn cong đó như thế nào, nguyên nhân ra sao. 

» Cận cảnh đường uốn lượn như rắn nghi 'né' nhà quan chức

Theo TPO
Bình luận
vtcnews.vn