Như vậy ADB giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài.
Các chuyên gia ADB nhận định, sự phục hồi tăng trưởng tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và nông nghiệp ổn định sẽ giúp quá trình phục hồi của Việt Nam từng bước khả thi. Dòng vốn FDI và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, hỗ trợ tài khóa được tiếp tục và chương trình đầu tư công cũng sẽ kích thích tăng trưởng.
Trong quý đầu tiên của năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tăng lên 5,7% so với mức 3,4% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, rủi ro sụt giảm từ những bất ổn địa chính trị toàn cầu và nguy cơ dễ đổ vỡ của cấu trúc trong nước có thể cản trở tăng trưởng.
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho biết, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng.
Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, tiêu dùng trong nước phục hồi, kích thích tài khóa được tiếp tục với chương trình đầu tư công đáng kể là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.
Còn theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này.
Do đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để đẩy mạnh nhu cầu trong nước với các giải pháp cải thiện cơ cấu trong dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm, việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, cùng với những căng thẳng địa chính trị đang tiếp diễn có thể cản trở quá trình phục hồi hoàn toàn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước như sự phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, cũng như các rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp.
Đầu tư công vẫn là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và việc triển khai hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo ADB, mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi nhưng vẫn cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện quy trình pháp lý và quy định giảm bớt rào cản cho việc thực hiện dự án hiệu quả.
Bình luận