Video: Một số loại hoa hồng trong khu vườn của Tằng Hắm Phu
Ngày mưa cũng như ngày nắng, mỗi khi đi qua vườn hoa hồng thuộc xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp Tằng Hắm Phu (SN 1996) trong bộ đồ lao động cũ hăng say tỉa cành, cắt cỏ, tưới nước... cho những "đứa con tinh thần" của mình.
Từ cậu bé bóc mít... đến ông chủ vườn hồng
Tằng Hắm Phu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Tuổi thơ cậu phải chứng kiến nhiều cuộc cãi vã, của ba mẹ. Áp lực cơm áo gạo tiền, khiến ba Phu tìm đến rượu, mẹ con anh đã nhiều lần phải ngủ nhờ nhà người thân, chạy trốn trong đêm, chờ ba tỉnh rượu mới dám về. Với Phu, cậu không mong ước gì hơn ngoài việc có một cuộc sống yên bình bên những người thân yêu.
Khi bạn bè cùng trang lứa còn mải vui chơi, Hắm Phu đã đi làm phụ giúp gia đình, 12 tuổi đi bưng cà phê, bóc mít thuê, giao hàng cho chủ... Mỗi ngày cậu có thể kiếm được 200.000 đồng từ việc bóc mít. Số tiền kiếm được cậu nhờ mẹ cất làm vốn riêng.
Năm 18 tuổi, Phu chính thức khởi nghiệp bằng việc buôn bán hoa lan. Sau hơn 1 năm, Phu nhận thấy loại cây này thị trường đã bão hòa, kiếm tiền từ loại cây này sẽ khó khăn trong tương lai.
Đầu năm 2017, Phu được một người bạn tặng một cây hồng ngoại Nhật Bản. Sau thời gian chăm sóc, hồng bắt đầu nở hoa, với những bông to, màu hồng phấn với cánh kép, hương thơm nồng nàn khiến Phu mê mẩn. Lúc bấy giờ, Phu nảy ra ý tưởng nhân giống hoa hồng để bán. Nói là làm, chàng trai trẻ quyết định dốc toàn bộ số vốn tích góp 5 năm đi làm để mua 2.000m2 đất với giá 500 triệu đồng để hiện thực đam mê trồng hồng, làm vườn.
Chăm cây như... chăm con
Lần đầu tiên có một khu vườn của riêng mình, Phu hăm hở mua một số cây giống đang thịnh hành về trồng và bán. Nhưng Trảng Bom là vùng khí hậu khô nóng, không thuận lợi cho việc trồng hoa. Dù đã tìm hiểu kỹ thuật cũng như cách chăm bón từng loại khác nhau, nhưng nhiều cây mang về vườn trồng cũng không tránh khỏi tình trạng không ra hoa, hoa nhỏ và bị chết. Bài học đầu tiên về trồng hồng, Phu phải trả 20 triệu đồng tiền học phí bù lỗ.
Khó khăn không nản, chàng trai trẻ lại tiếp tục tham gia các hội nhóm, tìm hiểu bí quyết trồng và chăm sóc các loại hồng. Cậu tỉ mỉ ghi chép quá trình phát triển từng loại cây vào một cuốn sổ, tối đến trước khi đi ngủ Phu lại mang ra đọc. Cứ như vậy, ngày ngày Phu ăn ngủ cùng hồng ngoài vườn, nhiều khi quá bữa, mẹ phải mang cơm ra tận vườn cho cậu.
Thương con trai vất vả, mẹ của Phu - bà Vũ Thị Nga (58 tuổi), khuyên con bỏ vườn, đi làm công nhân, nhưng Phu quyết không chịu. Sau nhiều tháng tìm tòi nghiên cứu, thành quả lao động của Phu cũng được đền đáp. Cây hồng bắt đầu phát triển ổn định, ra bông đều, màu như mong muốn. Phu bắt đầu nhân giống từ nhỏ đến lớn, dần dần, cây giống trong vườn ngày càng nhiều, khách hàng biết đến chàng trai trẻ nhiều hơn.
Một ngày làm việc tại vườn hồng của Phu bắt đầu từ 5h30 và kết thúc lúc 18h. "Tôi bắt đầu từ việc nhổ cỏ, cắt cành, tưới nước cho cây. Đến chiều đi giao hoa cho khách xong, tôi lại về vườn chăm, ngắm hoa đến khoảng 18h là hết ngày”, Phu cho biết.
Công việc bận rộn, nhưng Phu vẫn muốn tự mình làm hết mọi việc. "Nhiều hôm mệt, mình lại ngồi xuống ngắm nhìn vườn hồng, hít hà hương thơm từ những bông hoa, bao mệt mỏi như tan biến hẳn", Phu chia sẻ.
Đến nay khu vườn của Phu đã có hơn 100 giống hồng nội, ngoại các loại. Đắt nhất là các giống hồng cổ có cây giá trị lên đến vài chục triệu đồng. Hiện, Hắm Phu thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng nhờ bán hoa hồng.
Đang trong đợt dịch COVID-19, việc kinh doanh ít nhiều gặp trở ngại, nhưng chàng trai trẻ không mấy bận tâm. Cậu cho rằng, bản thân vẫn cảm thấy đủ và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.
Chia sẻ về dự định tương lai Phu cho biết: "Mình sẽ nghiên cứu thêm về một số hồng mới. Nếu có điều kiện mình thành biến vườn hồng của mình thành khu du lịch. Để mọi người có thể đến nghỉ dưỡng, thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi".
Bình luận