• Zalo

9x bán bóng bay, mở trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí

Kinh nghiệm sốngThứ Năm, 01/01/2015 04:25:00 +07:00Google News

Năm 18 tuổi, bạn bè vào đại học, Phạm Minh Đáp ra Hà Nội bán bóng bay mưu sinh.

Năm 18 tuổi, bạn bè vào đại học, Phạm Minh Đáp ra Hà Nội bán bóng bay mưu sinh, gần 6 năm sau, với số tiền dành dụm từ bán hàng rong và vay mượn, Đáp đã mở một trung tâm với các giáo viên tình nguyện dạy ngoại ngữ miễn phí cho học sinh, sinh viên nghèo ở Hà Nội – những người thiệt thòi như anh.

Hành trình xây “Ngôi nhà tiếng Anh"

Sinh năm 1990 ở miền quê nghèo Ngọc Đỉnh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), Phạm Minh Đáp từ nhỏ đã phải tự lực vươn lên. Mưu sinh – là hai từ mà anh đã thấm bằng cả mồ hôi và nước mắt.

Đáp kể, nhà anh nghèo lắm, đồng ruộng làm chẳng đủ ăn, người làng bỏ đi tứ xứ mong kiếm miếng cơm, manh áo. Bố mẹ Đáp cũng vậy, họ ra Hà Nội bán hàng rong từ khi anh 12 tuổi. Đáp vừa đi học, vừa phụ ông bà nội chăm hai em. Mỗi khi nghỉ hè, anh lại ra Hà Nội giúp bố mẹ bán hàng để mua cho các em sách vở, quần áo mới.
9x bán bóng bay 
“Học xong THPT, mình cũng muốn được đi học đại học như bạn bè nhưng không có điều kiện. Hồi đó, mình chỉ nghĩ đi bán bóng bay phụ bố mẹ được đồng nào hay đồng ấy, để 2 đứa em được đến trường” Đáp chia sẻ.

Những ngày ròng rã đạp xe bóng bay trên phố cổ, bờ Hồ, Đáp thấy rất nhiều bạn trẻ khi được người nước ngoài hỏi đường thì chỉ biết lắc đầu hoặc khá hơn thì ra hiệu và “bồi” thêm vài từ. Trong khi đó, hễ cứ thấy người nước ngoài là Đáp tìm cách làm quen, hỏi chuyện dù vốn tiếng Anh của anh cũng không khá hơn là bao.

“Nhiều bữa, mình để xe bóng bay bên đường và chạy qua bên kia nói chuyện với Tây, vừa nói vừa ngoái lại trông xe vì vợ mất”, Đáp cười. “Nhớ hồi đó, nhiều người ngạc nhiên lắm, vì ai đời cái thằng bán bóng dạo mà nói chuyện với Tây như gió”.

Trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí của Phạm Minh Đáp đã đi vào hoạt động được vài tháng nay, cả học viên là những bạn sinh viên học sinh, còn giảng viên là sinh viên tình nguyện của các trường ngoại ngữ.

Để trau dồi vốn liếng tiếng Anh, Đáp không ngại đến những nơi tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài, thậm chí anh còn xin làm tình nguyện viên trong bảo tàng chỉ để được nói chuyện nhiều hơn với họ. Học được chừng nào, Đáp lại “dốc túi” truyền dạy để những em nhỏ khác bán được nhiều hàng hơn.
Trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí của Phạm Minh Đáp đã đi vào hoạt động được vài tháng nay, cả học viên là những bạn sinh viên học sinh, còn giảng viên là sinh viên tình nguyện của các trường ngoại ngữ. 

“Từ ngày dạy các em cùng bán hàng rong, mình nảy ra ý tưởng thành lập một lớp dạy ngoại ngữ miễn phí. Vì mình nghĩ, có rất nhiều em nghèo, không có điều kiện đến trung tâm học. Nếu được học, có lẽ các em sẽ có thêm cơ hội nghề nghiệp trong tương lai” Đáp chia sẻ.

Vậy là gần 6 năm, Đáp chẳng nhớ nổi mình đã đạp xe bao nhiêu cây số, cũng chẳng nhớ bao nhiêu quả bóng bay đã trao tay nhưng ước mơ của anh thì đã thành hiện thực. Đầu năm 2014, Trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí “Ngôi nhà tiếng Anh” đã ra đời từ số tiền Đáp dành dụm từ nhiều năm bán bóng bay.

“Ước mơ bong bóng bay lên”


“Đợt này trung tâm nhiều việc quá, bữa các tình nguyện viên bận nghỉ dạy thì mình đứng lớp, rồi có khi ai cũng lu bù mình lại thành chân trông xe” Đáp cười – nụ cười mãn nguyện.

Chỉ sau vài tháng thành lập, trung tâm đã thu hút cả trăm học viên tham dự với các khóa học tiếng Anh, Nhật kín lịch tuần. Không chỉ học tập, các học viên ở đây còn được tham dự nhiều hoạt động ngoại khóa và từ thiện khác.
Phạm Minh Đáp (giữa) cùng những người bạn xây dựng trung tâm ngoại ngữ miễn phí.  

“Em được biết trung tâm cũng mới đây thôi, là được xem anh Đáp trên truyền hình. Sau đó em cùng bạn tới đăng ký học. Học ở đây cùng với các anh chị khác vui và thoải mái lắm, em thấy mình tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh” Trần Hưng, sinh viên ĐH Mỏ, chia sẻ.

Ở trung tâm, cả giáo viên (sinh viên tình nguyện) và học viên đều là những người trẻ khiến những buổi học trở nên gần gũi hơn. “Mình muốn tạo một không gian học tập thân thiện không chỉ để học mà còn giúp mọi người giao lưu, chỉ có như vậy thì mới có hiệu quả” Đáp cho biết.

Mới đây, Đáp đã quyết định thu mỗi học viên 300.000 đồng/tháng. Anh cho biết: “Đây là số tiền để dành mua, in ấn tài liệu, trả tiền điện nước và cũng là tiền để các học viên có trách nhiệm với việc học”. Theo Đáp, trước kia học miễn phí, nhiều học viên thích thì đi học, không thích thì nghỉ khiến lớp học không ổn định.

Ngôi nhà tiếng Anh của Đáp đã thành hình, những vẫn còn đó quá nhiều nỗi lo. “Việc dạy và tìm tình nguyện viên không khó vì có nhiều người ủng hộ nhưng việc duy trì trung tâm cũng rất khó khăn. Mỗi tháng để có riêng chục triệu trả tiền thuê nhà đã không hề đơn giản”, Đáp cho biết.

Hiện tại, dù công việc ở trung tâm rất bận, nhưng Đáp vẫn dành những buổi tối để đi bán bóng bay. Anh cho biết: “Mình muốn kiếm thêm tiền và đây cũng là công việc gắn bó với mình rất lâu, không phải nói bỏ là bỏ được. Đôi khi, công việc này giúp mình thư giãn hơn”.

Mỗi người đều có một ước mơ, ước mơ của chàng trai bán bóng bay đã thành hiện thực. Và cùng với đó, sẽ có thêm nhiều ước mơ trưởng thành từ Ngôi nhà tiếng Anh của chàng trai ấy.

Theo Một thế giới

Bình luận
vtcnews.vn