• Zalo

97,59% đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Hiến pháp

Thời sựThứ Năm, 28/11/2013 10:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - Lúc 10h sáng nay (28/11), 97,59% đại biểu Quốc hội vừa ấn nút thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi.

(VTC News) -  10h sáng nay (28/5), Quốc hội với 488 đại biểu có mặt, đã biểu quyết thông qua Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ 97,59% đại biểu tán thành; không có đại biểu không tán thành; hai đại biểu không biểu quyết.

Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992). Xem toàn văn Hiến pháp mới tại đây  Toan_van_Hien_phap_moi.doc
Nhìn chung, Hiến pháp (sửa đổi) kế thừa những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992, được hoàn thiện và bổ sung thêm một số quy định.
Hiến pháp năm 1992 sẽ được thay thế bằng bản Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11/2013

Một trong những điểm nhấn quan trọng là Hiến pháp (sửa đổi) đã dành riêng một chương để quy định về quyền con người, quyền công dân.

Theo đó khẳng định (Điều 14): Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Các quyền cơ bản như “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” tiếp tục được khẳng định và quy định “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Hiến pháp (sửa đổi) cũng thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn vai trò của Chủ tịch nước, đặc biệt là trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang...

Hiến pháp sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/1/2014.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, những công việc đang được cơ quan nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi) thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực.

Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp này.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2015).

Xem toàn văn Hiến pháp mới tại đây:Toan_van_Hien_phap_moi.doc

PV

Bình luận
vtcnews.vn