Giá dầu giảm, xăng tăng
Từ đầu năm tới nay, người tiêu dùng đã chứng kiến giá xăng dầu điều chỉnh tới 9 lần. Trong đó, giá dầu biến động nhiều hơn với xu hướng giảm là chủ yếu. Trong khi đó, giá xăng “chỉ biết” tăng dần đều.
Cụ thể, “chào năm mới”, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố giảm giá điêzen từ 12h ngày 27/01/2014. Theo đó, giá điêzen 0,05S giảm 320 đồng/lít xuống 22.640 đồng/lít; giá xăng 24.210 đồng/lít; dầu hỏa 22.400 đồng/lít. Đây là lần điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên trong năm.Nhiều lần điều chỉnh giá xăng khiến người dân bức xúc
Lãnh đạo Petrolimex cho biết việc giảm giá điêzen lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 84) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 84 của Liên bộ Tài chính - Công Thương.
Chưa đầy nửa tháng sau, được sự chấp thuận của Liên Bộ Tài chính - Công thương Petrolimex một lần nữa giảm giá điêzen từ 20h ngày 10/2/2014, giá điêzen giảm 110 đồng/lít xuống 25.530 đồng/lít. Trong hai lần điều chỉnh giá dầu này, giá xăng vẫn được giữ nguyên.
Tuy nhiên, giá xăng không cần chờ lâu. 11 ngày sau khi giá điêzen giảm lần thứ hai, vào 20h ngày 21/2/2014, Petrolimex công bố giá xăng Ron 95 và Ron 92 tăng 300 đồng/lít lên mức lần lượt là 25.010 đồng/lít và 24.510 đồng/lít. Giá dầu điêzen tăng 240 đồng/lít lên 22.770 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 230 đồng/lít lên 22.630 đồng/lít
Tới 12h ngày 19/3, giá xăng Ron 92 tăng 180 đồng/lít lên 25.190 đồng/lít. Các mặt hàng dầu đồng thuận tăng thêm 70 đồng/lít, đưa giá dầu Điêzen 0,05s lên mức 22.840 đồng/lít; dầu hỏa 22.630 đồng/lít.
Sau đó, giá xăng tạm “nghỉ ngơi” còn giá dầu được điều chỉnh giảm hai lần. Trong ngày 31/3 và 11/4, giá dầu điêzen lần lượt giảm 240 đồng/lít và 90 đồng/lít. Giá dầu hỏa và mazut cũng đi xuống theo giá điêzen.
Rồi cũng đến lúc giá dầu “nghỉ ngơi”, giá xăng “thay áo mới”. Tuy nhiên, khác ở chỗ, nếu giá dầu hay đi xuống thì giá xăng lại "thích" đi lên.
12h ngày 22/4, người dân bất ngờ khi nghe thông báo giá xăng tăng 210 đồng/lít lên mức 24.900 đồng/lít; Giá dầu Điêzen 0,05s tăng 170 đồng/lít lên 22.680 đồng/lít; Giá dầu hỏa cũng tăng 130 đồng lên 22.480 đồng/lít.
Đêm ngày 12/6, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tiếp tục điều chỉnh giảm giá dầu Điêzen 0,05s 150 đồng/lít, giúp mặt hàng này có giá ở mức 22.530 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 110 đồng/lít xuống còn 22.370 đồng/lít; trong khi đó, giá xăng giữ nguyên 24.900 đồng/lít. Điều đáng nói, việc điều chỉnh này lại diễn ra lúc 11h đêm và phải đến hơn 8h sáng ngày hôm sau, thông báo về việc điều chỉnh giá xăng dầu mới được Bộ Tài chính phát đi tới các cơ quan thông tấn.
Chưa đầy nửa tháng sau, vào lúc 20h ngày 23/6, xăng dầu lại “đánh úp” người dân khi Liên Bộ Tài chính lại cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng giá xăng 330 đồng/lít, đưa giá xăng đạt đến mức kỷ lục mới, 25.230 đồng/lít.
Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng 1.020 đồng/lít. Trong khi đó, dù có tần suất điều chỉnh nhiều hơn song giá dầu Điêzen 0,05s vẫn tiết kiệm cho người dân 380 đồng/lít.
Giá trong nước tăng do giá thế giới?
Mỗi khi tăng giá xăng, lời giải thích được đưa ra thường là giá xăng dầu thế giới tăng và doanh nghiệp xăng dầu thua lỗ. Lời giải thích này có điểm đúng nhưng cũng có điểm không hoàn toàn chính xác.
Biểu đồ giá xăng dầu qua các đợt điều chỉnh, tính từ đầu năm 2014 đến nay
Trong lần điều chỉnh giá xăng diễn ra vào ngày 23/6, giá xăng trong nước tăng khoảng 1,3%. Trên thị trường thế giới, nếu so sánh giá bình quân 15 ngày đầu tháng 6/2014 với bình quân 15 ngày đầu tháng 5/2014 thì giá xăng Ron 92 tăng khoảng 1,55%. Trong khi đó, giá dầu điêzen 0,05S, dầu hỏa giảm tương ứng 2,64% và 1,47%.
Có thể thấy, giá xăng Ron đồng thuận với giá thế giới nhưng giá dầu lại ngược chiều.
Trong đợt điều chỉnh diễn ra vào ngày 22/4, giá xăng, giá dầu điêzen và giá dầu hỏa cùng đi lên. Nhưng trên thị trường thế giới, giá cả có diễn biến ngược chiều. Giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày đầu tháng 4/2014 giảm so với cùng kỳ tháng 3/2014, đồng thời cũng giảm so với bình quân tháng 3/2014.
So sánh giá bình quân 15 ngày tháng 4/2014 với bình quân 15 ngày tháng 3/2014 thì giá các chủng loại xăng RON 92, dầu điêzen 0,05S, dầu hỏa, dầu mazut giảm từ 0,4% đến 1,55%. So sánh giá bình quân 15 ngày tháng 4/2014 với bình quân tháng 3/2014 thì giá các chủng loại xăng RON 92, dầu hỏa, dầu mazut giảm từ 0,2% đến 1,55%.
So với khoản lợi nhuận sau thuế hợp nhất của toàn tập đoàn là 1.579 tỷ đồng thì con số lợi nhuận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu không hề nhỏ.
Nói về vấn đề lãi - lỗ của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho hay: Doanh nghiệp nay báo lãi, mai báo lỗ, sự thực con số đó rất khó để biết. Còn chủ quan thì kinh doanh xăng dầu không bao giờ lỗ.
Thậm chí, TS kinh tế Nguyễn Minh Phong, chuyên gia nghiên cứu độc lập còn đưa ra lời nhận xét: "Chỉ biết tiếp nhận thông tin tăng giá một chiều. Các con số liên quan về quỹ bình ổn hay mức giá WTI thế giới mà Tập đoàn đưa ra chỉ là những con số chết, đã được biến hóa linh hoạt để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Mà đã là kinh doanh thì phải có lãi".
Thanh Hà
Bình luận