• Zalo

9 hộ dân gần 3 thập kỷ đi đòi nợ UBND tỉnh Quảng Ngãi

Đời sốngThứ Ba, 26/03/2024 09:47:28 +07:00Google News
(VTC News) -

Ròng rã suốt gần 3 thập kỷ qua, 9 hộ dân ở Quảng Ngãi mòn mỏi với cuộc hành trình đòi nợ UBND tỉnh.

Họ là các hộ dân đã bỏ vốn cho chính quyền địa phương để mở rộng một số công trình, dự án cách đây ngót nghét 30 năm. Đổi lại, thời điểm lúc bấy giờ, UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất xếp các hộ này vào diện ưu tiên được cấp đất hoặc mua 1 lô đất sau khi các khu dân cư trên địa bàn hoàn thành. Nào ngờ, chủ trương này của UBND tỉnh Quảng Ngãi cứ "ngâm" cùng năm tháng, trong sự đợi chờ "dài cổ" của 9 hộ dân.

Gần 30 năm đòi nợ UBND tỉnh

PV VTC News vừa tiếp nhận đơn "cầu cứu" của 9 hộ dân gồm: Nguyễn Thị Lợi, Đoàn Hùng Nam, Lâm Thị Nhung, Trịnh Thị Ngọc Yến, Nguyễn Quang Phú, Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đỗ Tiến Đạt, Đoàn Ngọc Hào, Nguyễn Thị Ánh (cùng trú TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).

Cùng với 7 hộ dân khác, bà Nhung và bà Yến mòn mỏi với cuộc hành trình đòi nợ UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Cùng với 7 hộ dân khác, bà Nhung và bà Yến mòn mỏi với cuộc hành trình đòi nợ UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Theo trình bày của đại diện 9 hộ dân, năm 1989, UBND tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương đầu tư mở rộng thực hiện một số công trình, dự án theo quy hoạch được phê duyệt trên địa bàn xã Nghĩa Chánh (nay là phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi). Sau đó, địa phương nhất trí mở rộng và nối dài tuyến đường tránh phía Nam xuống ngã tư Ba La và đường Bích Khê với tổng chiều dài 3km, khu dân cư Gò Thủ Quyển...

Về kinh phí, UBND phường Nghĩa Chánh chịu trách nhiệm huy động nhân dân đóng góp. Từ năm 1989 đến năm 2003, UBND phường Nghĩa Chánh huy động vốn của người dân trong và ngoài địa phương bằng nhiều hình thức như: Huy động góp vốn, thu tiền cấp đất, mượn chi công trình giải tỏa, ủng hộ ngân sách... để tạo ngân sách cho địa phương có nguồn kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng dự án.

Tiếp nhận chủ trương trên, 9 hộ dân đã bỏ ra tổng cộng hơn 90 triệu đồng cho chính quyền địa phương "mượn" để triển khai dự án. "Từ năm 1989 đến năm 1995, tôi cùng 8 hộ dân nộp tổng cộng hơn 90 triệu đồng. Đây là số tiền khủng nếu chiếu theo thời gian của 30 năm trước. Hộ ít nhất 4 triệu đồng, còn như trường hợp gia đình tôi thì bỏ ra số tiền lên đến 20 triệu đồng. Với khoản tiền lớn thế này, những năm 1994-1995, tôi thừa sức mua 4 lô đất. 

Hồi đó chỉ nghĩ đơn giản, địa phương mới tách tỉnh nên còn khó khăn, cần nhân dân chung tay góp sức để xây dựng quê hương nên mọi người mới sẵn sàng góp vốn" - bà Lâm Thị Nhung giãi bày và nhớ rõ thời điểm gia đình "bấm bụng" nộp 20 triệu đồng, chính quyền địa phương đưa ra chủ trương "đặc biệt" dành cho các hộ dân tham gia huy động vốn: Xét giao đất hoặc được mua 1 lô đất sau khi các khu dân cư trên địa bàn hoàn thành. 

Từ năm 1989 đến năm 2003, UBND phường Nghĩa Chánh huy động vốn của người dân trong và ngoài địa phương bằng nhiều hình thức.

Từ năm 1989 đến năm 2003, UBND phường Nghĩa Chánh huy động vốn của người dân trong và ngoài địa phương bằng nhiều hình thức.

Tuy nhiên, gần 3 thập kỷ đằng đẵng trôi qua (từ năm 1995 đến nay), bà Nhung và 8 hộ dân vẫn chưa nhận được đất theo chủ trương của tỉnh. Nhắc đến đây, bà Nhung bày tỏ bức xúc: "Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trong thời gian tỉnh huy động vốn, hàng chục hộ dân khác cũng tham gia góp vốn và sau này đã nhận được đất như cam kết. Riêng tôi và 8 hộ trên vẫn dài cổ đợi chờ. Đây là tiền mồ hôi nước mắt, chắt chiu dành dụm bao năm trời của 9 hộ dân chúng tôi. Vậy mà, mấy chục năm qua, tôi và bà con gõ cửa các cơ quan ban, ngành từ xã cho tới tỉnh nhưng sự việc chưa được giải quyết thấu tình đạt lý".

Vì sao không giao đất?

Bà Trịnh Thị Ngọc Yến - một trong số 9 trường hợp ròng rã với cuộc hành trình gần 3 thập kỷ đi đòi nợ UBND tỉnh - cho biết, nỗi bức xúc này được bà và các hộ dân "nhắc đi nhắc lại" từ năm này qua năm nọ với các cơ quan chức năng địa phương và trải qua tổng thảy 10 đời Chủ tịch tỉnh. Song, tất cả các giải đáp đều gói gọn trong sự bế tắc khi "món nợ" rơi vào tình thế "khó đòi".

Theo bà Yến, năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy Quảng Ngãi thống nhất chủ trương, cho phép UBND thành phố trình UBND tỉnh xin cơ chế đặc cách giao đất cho 9 hộ dân (9 lô đất) đảm bảo theo thời điểm nộp tiền - xử lý cơ chế tỉnh đã thống nhất đối với 38 hộ dân ở khu dân cư Bàu Ruộng, phường Nghĩa Chánh.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đối chiếu theo Luật Đất đai mới thì chưa đảm bảo cơ sở pháp lý để có cơ chế đặc cách giao đất cho 9 hộ dân.

 Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đối chiếu theo Luật Đất đai mới thì chưa đảm bảo cơ sở pháp lý để có cơ chế đặc cách giao đất cho 9 hộ dân.

Ngày 8/4/2022, UBND TP Quảng Ngãi tiếp tục có báo cáo gửi UBND tỉnh về vướng mắc liên quan đến thu tiền huy động vốn từ năm 2003 trở về trước và xin cơ chế đặc cách giao đất cho 9 hộ dân tại phường Nghĩa Chánh nhưng không được chấp thuận.

Trả lời PV VTC News, đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi giải thích thêm: "Đối chiếu theo Luật Đất đai mới thì chưa đảm bảo cơ sở pháp lý để có cơ chế đặc cách giao đất cho 9 hộ dân. Tỉnh cũng đã họp với các hộ dân và đưa ra phương án là hoàn trả số tiền gốc mà họ đã đóng góp kèm theo khoản lãi suất tương đương ngân hàng nhưng các hộ dân nhất quyết không đồng ý. Bây giờ, nếu muốn vụ việc được giải quyết thỏa đáng thì chỉ còn cách khởi kiện".

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn