Mạng lưới Phụ nữ trong giới Truyền thông Nhật Bản (WiMN) được thành lập với 86 thành viên nhằm vạch trần những hành động quấy rối và lạm dụng tình dục trong ngành truyền thông.
"Thật không may, tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ và xâm hại tình dục vẫn còn tồn tại trong giới báo chí. Nhiều nữ phóng viên cảm thấy khó khăn trong việc lên tiếng vì xấu hổ và lo sợ rằng điều ấy có thể phá hủy các mối quan hệ của họ", AFP dẫn lời bà Yoshiko Hayashi, nhân viên từng làm việc trong cơ quan truyền thông xuất bản Asahi Shimbun.
"Chúng tôi từng là những người cất tiếng nói nhưng không được ai lắng nghe", bà cho biết thêm.
Vấn đề xâm hại tình dục trở nên nổi cộm tại Nhật sau khi Bộ Tài chính nước này thừa nhận một quan chức cấp cao của họ đã quấy rối nữ phóng viên Đài truyền hình Asahi.
Cô là một trong số những người hiếm hoi dám can đảm lên tiếng, tuy nhiên, vụ việc được cho rằng chỉ là phần nổi của tảng băng. Trong buổi họp báo ngày 15/5, bà Hayashi khẳng định việc cô gái trên từ chối chịu đựng trong im lặng đã cổ vũ bà và các nữ phóng viên khác thành lập WiMN.
"Chúng tôi quyết tâm nhổ tận gốc tình trạng xâm hại tình dục đối với nữ giới và bất cứ hành vi vi phạm nhân quyền nào", bà nói.
Sau bê bối trên, Bộ Tài chính Nhật bị chỉ trích vì cách giải quyết trốn tránh và bênh vực Thứ trưởng Junichi Fukuda, người được cho là đã quấy rối tình dục nữ phóng viên. Ông này đã từ chức tuy nhiên vẫn phủ nhận mọi hành vi sai phạm.
Cụ thể, sau khi các cáo buộc nhằm vào ông Fukuda được đăng tải trên một tuần báo, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso đã bác bỏ mọi chi tiết, đồng thời khẳng định không mở bất cứ cuộc điều tra nào.
Ông Aso cũng bày tỏ sự lo ngại về "quyền con người của ông Fukuda" giữa làn sóng cáo buộc đối với vị thứ trưởng. Ông cho rằng cấp dưới của mình đã dính phải "bẫy tình" của nữ phóng viên.
Sau khi dư luận phản đối quyết liệt, Bộ Tài chính buộc phải rút lại các tuyên bố trên nhưng sau đó lại kêu gọi nạn nhân ra mặt đối chất với các luật sư, một động thái tiếp tục bị chỉ trích.
Kênh truyền hình Asahi, một trong những kênh lớn tại Nhật Bản, cũng công khai thừa nhận cấp trên trực tiếp của nạn nhân không đưa ra các hành động kịp thời sau khi cô lên tiếng về việc mình bị xâm hại.
Vụ bê bối và cách tiếp cận gây tranh cãi của Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản của nạn nhân đã làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chiến dịch #MeToo cuối cùng cũng đã vươn tầm ảnh hưởng đến xứ sở mặt trời mọc.
Vụ việc trên cũng trở thành một "cơn đau đầu" khác đối với Thủ tướng Shinzo Abe khi chính quyền của ông cùng lúc vướng phải hai vụ bê bối liên quan đến Bộ Tài chính, một trong số đó là việc xóa dữ liệu thiếu minh bạch.
Trước đó, ông Abe xem việc gia tăng số lượng phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động là vấn đề then chốt trong các chính sách kinh tế của Nhật Bản, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.
Nhật xếp hạng thứ 114, đứng cuối trong số các nước G7, trong báo cáo về khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017. Quốc gia này cũng ghi điểm rất thấp trong tỷ lệ nữ giới tham gia vào môi trường kinh doanh và chính trị.
Bình luận