PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trong 2 thập kỷ trở lại đây, tỉ lệ mắc ung thư tại Việt Nam tăng khá nhanh.
Theo thống kê của WHO, năm 2000, Việt Nam chỉ ghi nhận 68.000 ca mắc mới, nhưng đến 2010 đã tăng lên 126.000 ca đến 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca. 300.000 người đang phải sống chung với căn bệnh này.
Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107 và thời điểm 2013 xếp ở vị trí 108.
Hiện ung thư là một trong những căn nguyên gây chết người nhiều nhất tại nước ta sau tim mạch, tiểu đường…
Theo PGS Quảng, tuổi càng cao, tỉ lệ mắc ung thư càng lớn, đa phần ung thư xuất hiện ở người ngoài 50 tuổi khi các yếu tố nguy cơ đủ thời gian tích luỹ để hình thành phát sinh bệnh, tuy nhiên nhiều năm gần đây, ung thư có xu hướng trẻ hoá.
Ở xã hội càng phát triển, tuổi thọ càng cao thì tỉ lệ mắc ung thư càng lớn, do liên quan đến mức độ và lối sống công nghiệp hoá.
Trong các căn nguyên gây ung thư, ăn uống và môi trường chiếm tới 80% nguyên nhân như dùng thuốc lá, rượu, bức xạ ion hoá, tia cực tím…
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như di truyền, nhiễm vi khuẩn HP, HPV, virus viêm gan B…
Và chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn nội sinh từ bên trong cơ thể, các tổn thương có tính di truyền, những nguyên nhân không thay đổi được.
Mặc dù khoa học đã xác định được các tác nhân, yếu tố nguy cơ gây ung thư nhưng trên thực tế hầu hết từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ khó xác định chính xác nguyên nhân do không thể hồi cứu hết các tác nhân, yếu tố nguy cơ mà người bệnh phơi nhiễm trong cuộc sống. Có bệnh nhân là cộng gộp cùng lúc nhiều yếu tố.
“Nếu loại bỏ, tránh hoặc giảm tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư trên, có thể phòng được 1/3 bệnh ung thư”, GS Quảng cho hay.
Một số yếu tố, tác nhân gây ung thư có thể thay đổi và dự phòng được như hút thuốc, uống rượu, nhai trầu, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt tình dục không an toàn lây nhiễm virus HPV, không tiêm phòng viêm gan B dẫn đến lây nhiễm và tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời…
Dù nhiều nước trên thế giới đã coi ung thư là bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài song PGS Quảng cho biết, rất nhiều người dân vẫn có những định kiến sai lệch về căn bệnh này, coi ung thư là “bản án tử hình”.
Hệ luỵ của định kiến này là tâm lý bi quan quá mức, buông bỏ và không tuân thủ điều trị.
Trong khi với những tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc có thể kéo dài sống thêm đáng kể.
Một số bệnh ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng… Tại Bệnh viện K, có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa ổn định 10 năm, 30 năm, thậm chí 48 năm.
“Chúng tôi cho rằng điều đúng đắn nhất và nên làm là người bệnh và gia đình hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ nhất về bệnh, điều trị và tiên lượng cũng như dùng các phương thức, thuốc điều trị chính thống tại cơ sở chuyên khoa, không nghe theo những lời đồn đại để mất đi thời gian quý báu có thể chữa được bệnh mà sẽ là tiền mất tật mang", PGS Quảng nhấn mạnh.
Video: Không ngờ nấm hương có thể giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Bình luận