(VTC News) - Fabio Capello xứng đáng được coi là “cầu nối” giữa 2 nền bóng đá Anh và Italia trong suốt nhiều năm qua.
Kể từ lần đầu tiên gặp nhau trong 1 trận đấu mang nặng tính chính trị năm 1933, Italia không thể thắng được đội tuyển Anh suốt trong 40 năm sau đó. Ngay cả những thời điểm người Ý đang đứng trên đỉnh cao thế giới với 2 chức vô địch World Cup liên tiếp (1934, 1938), họ đều bị đối thủ đến từ đảo quốc sương mù đánh bại một cách “không thương tiếc” mỗi khi có dịp đối đầu, cho dù địa điểm thi đấu là ở London hay Turin. Capello có lẽ là người Italia mang nhiều duyên nợ với bóng đá Anh nhất.
Năm 1934, Italia của HLV Pozzo và huyền thoại Meazza nhận thất bại ngậm ngùi 2-3 trước ĐT Anh trong “Trận chiến ở Highbury”, để rồi 14 năm sau, đến lượt thế hệ vàng Grande Torino phải nếm trái đắng ngay trên sân nhà ở Turin trước Tam sư của bộ tứ Matthews, Lawton, Mortensen, Finney với tỷ số 0-4. Nhưng đến năm 1973, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn, và cái tên đáng chú ý nhất chính là Fabio Capello.
Tiền vệ khi đó đang chơi cho Juventus đã ghi bàn trong cả 2 trận đấu giao hữu giữa Anh và Italia năm đó, trong đó có một bàn thẳng để đời ngay tại thánh địa Wembley. 5 tháng trước đó, tại Rome, đoàn quân áo thiên thanh đã chính thức chấm dứt chuỗi thời gian 40 năm không thắng được người Anh bằng 2 bàn thắng của Capello và Pietro Anastasi (người sau đó vài tháng trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới). Bàn thắng của Capello vào lưới tuyển Anh trong trận đấu trên sân Wembley tháng 11/1973/
Capello lúc ấy có lẽ cũng không thể nghĩ tới viễn cảnh, ông sẽ trở lại nước Anh 35 năm sau đó, để trở thành người dẫn dắt của đội tuyển quốc gia nước này. 4 năm với biết bao kỳ vọng, niềm vui và không ít nỗi buồn của Don Fabio rồi cũng kết thúc vào một ngày tháng 2/2012, ông tuyên bố từ chức sau khi Liên đoàn bóng đá Anh tuyên bố tước băng đội trưởng của John Terry vì nghi vấn phân biệt chủng tộc.
Capello luôn được coi là một trong những HLV tài năng và được tôn trọng nhất ở Châu Âu, nhưng có lẽ ông cũng chưa thể hiểu hết được nét tính cách của người Anh, những người có thói quen tự làm khó mình trước những giải đấu lớn bằng những rắc rối ngoài sân cỏ.
Đà Giang
Bình luận