(VTC News) - Sau thành công của Thần Châu 8, đối với người Trung Quốc, giấc mộng xây dựng trạm không gian vũ trụ có người lái đầu tiên của mình có vẻ như đang đến gần hơn khi nào hết.
Từ tàu vũ trụ không người lái đến có người lái, từ một người đến nhiều người, từ một ngày đến nhiều ngày, từ giai đoạn bước vào quỹ đạo đến quá trình ghép nối…; Thần Châu 1 đến Thần Châu 8, không chỉ là số lượng, đó là những "nấc thang lên thiên đường" của các phi hành gia Trung Quốc trong nhiều thế hệ để cố gắng ghi danh nước này trong lịch sử vũ trụ nhân loại.
Cùng điểm lại hành trình thực sự đáng ghi nhận này:
Thần Châu 8 vào quỹ đạo hôm 1/11 |
Thần Châu 1
Khoảng 6h30 ngày 20/11/1999, Trung Quốc đã thử nghiệm phóng tàu vũ trụ không người lái đầu tiên Thần Châu 1 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền. Sau 21 giờ, Thần Châu 1 đã vào quỹ đạo.
Thần Châu 1 là tàu vũ trụ đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo. Việc phóng thành công tàu vũ trụ không người lái đầu tiên vào quỹ đạo đã mở ra một bước tiến mới cho kĩ thuật phát triển tàu vũ trụ có người lái của nước này.
Một kỹ sư thuộc dự án vũ trụ có người lái Trung Quốc Vương Dũng Chí tự hào nói: “Tàu vũ trụ của chúng tôi phát triển muộn hơn Mỹ, Liên Xô tới 40 năm, nhưng hiện nay, trình độ kĩ thuật của chúng tôi cũng ngang ngửa họ, đó là bước tiến vượt bậc về kĩ thuật. Chỉ trong thời gian 7, 8 năm ngắn ngủi, các phi hành gia của Trung Quốc đã đi qua con đường mà các nước phát triển đi mất 30 đến 40 năm”.
Thần Châu 2
Trung Quốc đã tiếp tục phóng thành công tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 2 vào ngày 10/1/2001. Do có kĩ thuật tương tự tàu vũ trụ có người lái, cho nên, việc phóng vệ tinh Thần Châu 2 hoàn toàn được tiến hành theo điều kiện và môi trường của tàu vũ trụ có người lái.
Thần Châu 3
22h15 ngày 25/3/2002, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 3
So với hai tàu vũ trụ Thần Châu 1 và Thần Châu 2, Thần Châu 3 hội tụ khả năng cứu hộ và cấp cứu kịp thời, hệ thống dù tiếp đất cũng được cải tiến và hoàn thiện, đảm bảo quá trình hạ cánh an toàn.
Việc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 3 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng, trong một thời gian ngắn sau Thần Châu 3 sẽ đưa nhà du hành vũ trụ vào quỹ đạo.
Thần Châu 4
Tàu vũ trụ Thần Châu 4 là bước thử nghiệm không mang theo người lên quỹ đạo. Tàu trang bị 8 mô hình cứu hộ, để đảm bảo cho phi hành gia an toàn trở về trong mọi hoàn cảnh.
Đặc biệt, Thần Châu 4 đã được phóng thành công trong điều kiện thời tiết - 29 độ C, phá vỡ kỉ lục của Trung Quốc.
Thần Châu 5: người Trung Quốc đầu tiên vào quỹ đạo
Ngày 15/10/2003, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 5 vào quỹ đạo. Phi hành gia Dương lợi Vĩ cũng chính là người Trung Quốc đầu tiên vào vũ trụ.
Hạ cánh sau 21 giờ trong vũ trụ, Dương Lợi Vĩ tự hào nói: “Đây là một trang sử huy hoàng của Trung Quốc, cũng là một ngày ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi”.
Việc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 5 đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 sau Nga, Mỹ có khả năng chế tạo tàu vũ trụ có người lái
Cựu Cục trưởng Cục hàng không vũ trụ Trung Quốc Loan Ân Kiệt nói: “Chúng tôi đã mất 10 năm để hoàn thành sứ mệnh lịch sử vĩ đại này, đây là cột mốc quan trọng trong lịch sử vũ trụ Trung Quốc, cũng là đóng góp to lớn của Trung Quốc trong việc sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình."
Thần Châu 6
Kế hoạch của Trung Quốc là chia việc phóng tàu vũ trụ Thần Châu có người lái thành 3 giai đoạn và cuối cùng là việc xây dựng trạm vũ trụ có người lái đầu tiên của Trung Quốc.
Việc phóng tàu Thần Châu 6 chính là bước khởi đầu của giai đoạn 2, giai đoạn đưa nhiều người lên vũ trụ và ở lại trong khoảng thời gian lâu hơn.
Thần Châu 6 là tàu vũ trụ có người lái thứ hai của Trung Quốc, cũng là lần đầu tiên đưa hai phi hành gia vào quỹ đạo với vận tốc 7.8km/giây, quãng đường là 351km. Đây cũng là lần đầu tiên hai nhà du hành vũ trụ cùng tham gia nghiên cứu khoa học trên không gian.
Thần Châu 7
16h41' ngày 27/9/2008, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 7 vào quỹ đạo, nhà du hành vũ trụ Trác Chí Cương cũng là người tiếp theo tiến hành nghiên cứu bên ngoài không gian.
Như vậy, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 3 sau Mỹ và Nga thực hiện quá trình "đi bộ trong vũ trụ".
Thần Châu 8
Hôm qua (3/11), Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 8 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F vào quỹ đạo và thực hiện quá trình ghép nối với Thiên Cung 1 được phóng lên quỹ đạo hôm 29/9.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm ghép nối trên vũ trụ, cũng là bước thứ hai thử nghiệm kĩ thuật ghép nối trong 3 bước dự án vũ trụ có người lái của Trung Quốc.
Được biết, trong tương lai, Thiên Cung 1 sẽ tiếp tục ghép nối với Thần Châu 9 và Thần Châu 10, đặt nền móng kĩ thuật quan trọng cho việc xây dựng trạm không gian vũ trụ có người lái đầu tiên ở Trung Quốc.
Kiến trúc sư trưởng dự án vũ trụ có người lái Trung Quốc Chu Kiến Bình tự tin nói: “Chúng tôi đã nắm được kỹ thuật cơ bản của tàu vũ trụ có người lái, một khi nắm vững kĩ thuật ghép nối là đủ điều kiện xây dựng trạm không gian đầu tiên và từ đó phát triển các hoạt động hàng không vũ trụ ở một tầm cao mới."
Đỗ Hường
Bình luận