(VTC News) - "Trong 8 lần hòa giải giữa UBND huyện Tiên Lãng với gia đình ông Vươn, ông Vươn đều muốn được chính quyền giao đất... UBND huyện Tiên Lãng cũng không phá tài sản trên khu đầm ông Vươn", Chánh VP UBND huyện Tiên Lãng khẳng định.
Sáng 2/2, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Xuân Khánh, trả lời cơ quan báo chí về những thông tin xung quanh vụ cưỡng chế khu đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Theo lời của ông Khánh, việc thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng hoàn toàn đúng và đúng theo quy định của pháp luật.
"Ông Vươn được giao đất từ năm 1993, thời hạn 14 năm và đến nay đã hết thời hạn. Căn cứ quy định, chúng tôi sẽ phải thu hồi đất. Trên cơ sở đó, chúng tôi chuyển hình thức từ giao đất cho anh Vươn sang thuê đất", ông Khánh nói.
Khu đất cưỡng chế |
Theo lời của ông Khánh, chưa một ai có trách nhiệm của UBND huyện Tiên Lãng nói rằng không cho ông Vươn thuê đất. Tuy nhiên, khi làm việc đến 8 lần với ông Vươn, ông này đều kiên quyết yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng phải giao đất, nhưng theo Luật đất đai 2003 thì phải thu hồi để chuyển sang hình thức cho thuê.
"Ông Vươn cũng chưa bao giờ có ý kiến về việc sẽ trao trả đất lại cho Nhà nước. Do chưa có đất của ông Vươn trả lại nên chúng tôi chưa thể có đất cho ông Vươn tiếp tục thuê sử dụng được. Về mặt nguyên tắc, đã hết hạn sử dụng phải trả lại Nhà nước thì mới có đất để cho thuê", lời ông Khánh.
Về việc bồi thường cho gia đình ông Vươn, ông Khánh cho rằng: Khi đề nghị với huyện được giao đất từ năm 1993, ông Vươn đã phải nghiên cứu kỹ quy định sử dụng bãi bồi ven sông, ven biển của huyện và đồng tình với việc giao 14 năm.
Theo đó, từ năm 1993-2000, ông Vươn không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nào đối với nhà nước và được hưởng toàn bộ hoa lợi từ diện tích đất. Đấy là thời gian ông Vươn được bù đắp lại công sức, mồ hôi để thực hiện việc khoanh vùng, đắp đập. Năm 2000-2007, ông Vươn cũng chỉ đóng khoản thuế nhất định cho nhà nước. Và từ năm 2007, dù hết hạn sử dụng đất nhưng ông Vươn không thực hiện nghĩa vụ tài chính nào.
Có rất nhiều chương trình, dự án liên quan đến khu đầm của ông Vươn và Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng vào đó. Như đường công vụ từ cống Rộc chạy thẳng xuống biển (gần như bảo vệ cho khu đầm của ông Vươn) hoàn toàn tiền của Nhà nước.
Rồi dự án Vinh Quang 2, dự án nuôi tôm xuất khẩu của Tổng hội thanh niên ông Vươn được hưởng lợi hàng tỷ đồng chứ không phải ít.
Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan thuế, ông Vươn chỉ đóng góp cho nhà nước 50 triệu đồng, vẫn còn nợ thuế hơn 10 triệu đồng.
Về thông tin tài sản trong gia đình ông Vươn bị phá, ông Khánh khẳng định rằng đoàn cưỡng chế không có một lệnh nào và không có một ai tham gia việc phá nhà dân. Còn việc nhà nằm ngoài khu vực cưỡng chế, đồng thời nó là khu vực gây án nên việc phá hay thế nào thì đã có cơ quan chức năng làm rõ.
Trao đổi với VTC News, Đại tá Đỗ Hữu Ca, GĐCATP Hải Phòng cho biết, đến thời điểm này, cơ quan Công an chưa có bất cứ thông báo chính thức bằng văn bản nào nói rằng ông Vươn từ chối không mời luật sư bào chữa cho mình.
Nhiều vấn đề cần làm rõ trong vụ việc này! |
Hiện Công an TP Hải Phòng cũng đã có buổi làm việc với các luật sư để làm các thủ tục cần thiết cho việc bào chữa. Theo đó, Công an Hải Phòng sẽ trao đổi ý kiến này với ông Vươn và các bị can khác xem họ có đồng ý với việc mời Luật sư bào chữa cho mình hay không.
Đại tá Ca nhấn mạnh, các bị can trong vụ việc này bị khởi tố về tội giết người và chống người thi hành công vụ. Về thông tin tài sản, ngôi nhà trong khu đầm ông Vươn bị phá và biến mất, Đại tá Ca khẳng định: Công an Hải Phòng không phá nhà ông Vươn và đang điều tra làm rõ số tài sản bị vét sạch trong khu đầm.
Dự kiến tuần tới, UBND TP Hải Phòng sẽ có kết luận chính thức về vụ việc này.
Phan Mạnh
Bình luận