Video: Các dấu hiệu chứng tỏ bạn là 'con nghiện' facebook
Cách nhận biết những “con nghiện” Facebook
Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta khi người dùng luôn cố gắng truy cập từ bất cứ đâu và bất cứ khi nào có thể. Hầu hết người chơi Facebook thường sử dụng thời gian để đăng tải status, ảnh, bình luận hay nhấn like... hoặc đơn giản là việc xem đi xem lại các tin liên quan tới bạn bè của mình.
Tuy nhiên, những người có thói quen để mạng xã hội can thiệp nhiều vào cuộc sống hàng ngày hay chiếm lĩnh nhiều thời gian tại nơi làm việc, trường học thì đó lại là biểu hiện của người mắc bệnh “nghiện” facebook.
Trả lời VTC News, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (nguyên giảng viên bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, chuyên gia tư vấn tâm lý Linh Tâm) cho rằng cách nhận biết mình có là người nghiện facebook hay không thực ra không khó vì “người nghiện” luôn có những “chỉ dấu” riêng.
Chuyên gia tâm lý học Trịnh Trung Hòa cho biết: “Dấu hiệu đầu tiên của những người nghiện facebook là họ thường chia sẻ quá nhiều nội dung với tần suất lớn trên trang cá nhân. Những thông tin này được họ tự nguyện chia sẻ mọi thứ, ngay cả những chuyện riêng tư nhất.
Việc chia sẻ quá mức sẽ kéo theo hệ quả đáng tiếc ngoài mong muốn như bí mật đời tư, các dữ liệu cá nhân, thông tin gia đình, người thân, con cái... đều được đăng hết lên mạng xã hội trong khi có thể đây là những thông tin riêng tư không nên chia sẻ.
Biểu hiện nữa là họ luôn có xu thế muốn truy cập Facebook bất cứ khi nào có thể và dành phần lớn thời gian rảnh rỗi cho mạng xã hội. Thậm chí, dù đang nói chuyện với người khác thì họ cũng phải tìm cách đăng nhập Facebook qua điện thoại dù cho đó là hành vi bất lịch sự trong giao tiếp”.
Theo chuyên gia tâm lý học Trịnh Trung Hòa, người “nghiện" Facebook thường mắc một dấu hiệu nữa là tỏ ra quá quan tâm đến “hình tượng cá nhân” trên Facebook.
“Mỗi khi đăng cái gì lên Facebook thì họ thường suy nghĩ rất lâu là sẽ đăng status hay ảnh nào lên Facebook? Sau khi cập nhật lên mạng, bạn lại háo hức chờ đón phản ứng của mọi người? Đây cũng là biểu hiện dễ nhận thấy của việc quá quan tâm đến hình tượng cá nhân trên Facebook”, chuyên gia tâm lý học Trịnh Trung Hòa nói.
Ngoài ra, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng dành quá nhiều thời gian cho Facebook hay kết bạn quá nhiều trên Facebook mà không quan tâm đến đối tượng kết bạn là ai cũng là biểu hiện của người "nghiện" Facebook.
“72 giờ không Facebook”
Trả lời VTC News, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội (ĐHQG Hà Nội), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội cho biết, “72 giờ không Facebook” là một trong những chương trình thực nghiệm nằm trong dự án nghiên cứu của VPIS (Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội).
Mạng xã hội, Internet di động, dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang ngày càng có những tác động tới xã hội và cuộc sống của con người một cách toàn diện và sâu sắc.
Chỉ trong chưa đầy một thập niên, “thế hệ công dân Z” (Internet born citizens) đã tạo ra những ngôn ngữ riêng phục vụ cho việc nói chuyện trực tuyến. Từ vấn đề này đã đặt ra những câu hỏi là xu hướng này có ảnh hưởng gì tới ngôn ngữ truyền thống và tương lai của ngôn ngữ hiện đại sẽ được định hình ra sao?
Các mối quan hệ giữa con người với con người và cấu trúc các mối quan hệ trong xã hội đang từng bước dịch chuyển trở thành quan hệ trên mạng xã hội, xu hướng này đặt ra những câu hỏi gì cần giải đáp?
Thói quen của việc sử dụng Internet đang tác động tới việc định hình tâm lý, định hình tính cách và thói quen của giới trẻ như thế nào khi các thiết bị như điện thoại, máy tính và các thiết bị công nghệ có thể đeo trên người là một phần không thể tách rời khỏi cuốc sống?
Đây chỉ là một trong số rất nhiều các vấn đề về tác động hai chiều giữa Internet và xã hội cần được giải đáp dựa trên nền tảng khoa học xã hội và nhân văn.
Chuyên đề Internet & Cuộc sống mở ra một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành bao gồm Xã hội học, Luật học, Kinh tế học, Kinh tế, Ngôn ngữ, Tâm lý, Nhân học, Khoa học Chính trị và Khoa học Quản lý để tập trung nghiên cứu, giải đáp và đồng thời là diễn đàn học thuật mở và độc lập cho các nhà nghiên cứu trao đổi các vấn đề có liên quan.
“72 giờ không Facebook” vừa được khởi xướng tại Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội (ĐHQG Hà Nội) mới đây được xem là một chương trình thực nghiệm với ý tưởng mới mẻ nhằm tìm ra phương pháp hữu hiệu để giới trẻ ‘cai nghiện’ Facebook.
GS.TS Phạm Quang Minh cho rằng: “Facebook đã tạo ra sân chơi lớn cho các “công dân toàn cầu” tự do kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên, chính mạng xã hội Facebook cũng đang gây ra không ít những hệ lụy cho người dùng.
Hiện nay, Facebook có thể bị trở thành công cụ miễn phí và vô hình cho phép bất kỳ ai có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôi truyền bá bạo lực, thù hận đối với cá nhân và tổ chức. Đây là một thách thức lớn không chỉ đối với Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu”.
Theo người đại diện VPIS, dự kiến đầu tháng 9/2017, VPIS sẽ tổ chức hội thảo khoa học, trong đó sẽ có những báo cáo đầy đủ và chi tiết về chương trình thực nghiệm nói trên.
>>> Đọc thêm: Nghiện facebook lâu ngày có thể ‘tẩu hỏa nhập ma’
Bình luận