Báo Ha'aretz của Israel ngày 11/1 đã chỉ ra 7 thiếu sót của cơ quan an ninh và tình báo Pháp mà nếu được giải quyết có thể ngăn được cuộc tấn công khủng bố tiếp theo, chủ yếu xuất phát từ tình trạng thiếu các nguồn lực.
Mặc dù có đạo luật chống khủng bố và khả năng hàng đầu về tình báo cũng như lực lượng đặc nhiệm, song Paris vẫn bị anh em Kouachi và Amedy Coulibaly đưa vào tình thế bế tắc suốt 3 ngày khi chúng sát hại 17 người trước khi bị tiêu diệt.
Cảnh sát và lực lượng cứu hộ được điều tới hiện trường vụ xả súng ở tòa soạn báo Charlie Hebdo. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Dưới đây là những vấn đề chính mà chính quyền Pháp phải đối mặt:
Một là phân bổ nguồn lực. Trong những ngày gần đây, giới chức cấp cao Pháp đã lặp lại một điệp khúc - nhất là sau tiết lộ về việc bỏ giám sát anh em Kouachi hồi năm ngoái - đó là với 1.300 công dân Pháp đã tới Syria, Iraq để chiến đấu cùng các nhóm Hồi giáo và hàng nghìn phần tử thánh chiến tiềm năng sinh sống ở Pháp, chính quyền không có đủ nhân lực để theo dõi hết mọi đối tượng. Câu trả lời là chính phủ phải khẩn trương phân bổ thêm nguồn lực.
Hai là không ý thức được hết mối đe dọa. Những năm gần đây, các cuộc tấn công đều nhằm vào các mục tiêu Do Thái, như ở Toulouse và các khu vực khắp biên giới với Bỉ. Trong vài tháng qua, an ninh đã được tăng cường xung quanh những địa điểm của người Do Thái có nguy cơ cao, cũng như tại văn phòng của báo Charlie Hebdo.
Tuy nhiên, các biện pháp bảo đảm an ninh này chưa đủ sức đối phó với những tay súng có khả năng gây bất ngờ. Tại quốc gia có 67 triệu người, việc phát hiện và ngăn chặn hành động khủng bố là rất quan trọng.
Ba là không quan tâm tới thế hệ chiến binh thánh chiến cũ. Cherif Kouachi là học trò của Farid Benyettou - một kẻ truyền giáo cực đoan trẻ tích cực hoạt động trong suốt thập niên qua ở Quận 19 của Paris và từng cùng với Kouachi tham chiến tại Iraq.
Anh em Kouachi còn tiếp xúc với Djamel Beghal, một đối tượng lớn tuổi và từng là thành viên al-Qaeda từ thời sơ khai của tổ chức này, thậm chí trước khi diễn ra vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ.
Năm 2005, Beghal bị kết án 10 năm tù giam, nhưng tiếp tục gây ảnh hưởng tới những thanh niên Hồi giáo khi ở trong tù và trong thời gian bị quản thúc tại gia sau đó. Tuy nhiên, trong suốt hai năm qua, chính quyền Pháp dường như đã tập trung vào thế hệ thánh chiến mới đang hướng tới Syria và bỏ qua mối đe dọa cực đoan.
Bốn là sự hình thành các nhóm cực đoan trong tù. Vào cuối những năm 1980, Pháp thông qua một đạo luật cho phép chính quyền bỏ tù bất kỳ đối tượng nào bị tình nghi có liên hệ với những nhóm "có kế hoạch khủng bố," ngay cả khi bản thân những người này không làm gì.
Theo đó, gần như lúc nào cũng có ít nhất 100 đối tượng bị bỏ tù, trong số này có cả Cherif Kouachi. Nhiều kẻ chỉ là "lính trơn" nhưng khi thụ án cùng với nhiều thanh niên Hồi giáo khác đã khiến nhà tù trở thành nơi chứa đựng các nhóm cực đoan.
Chính phủ Pháp từng đưa những giáo sỹ Hồi giáo ôn hòa tới thuyết phục những thanh niên này nhưng không hiệu quả. Sau thời gian giam giữ, những kẻ chủ mưu thường bị quản thúc tại gia song điều này không ngăn được chúng liên lạc với đồng bọn.
Năm là những lỗ hổng về luật pháp. Mặc dù có luật cho phép bỏ tù những kẻ tình nghi song các cơ quan tình báo cho rằng họ thiếu quyền lực cần thiết để truy tìm những trao đổi trên Internet.
Sau các cuộc tấn công vừa rồi, nhiều khả năng ở Pháp sẽ có những lời kêu gọi thi hành luật mới - một dạng luật yêu nước như của Mỹ sau vụ 11/9.
Sáu là sự hợp tác giữa các cơ quan trong chính quyền. Như tại nhiều nước, việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan và cảnh sát là rất cần thiết. Ngày 9/11, lần đầu tiên, các đơn vị chống khủng bố - lực lượng hiến binh GIGN và đơn vị RAID của cảnh sát - đã phối hợp hoạt động khi GIGN tấn công cơ sở in nơi Kouachi lẩn trốn, trong khi RAID đột kích vào cửa hàng tạp hóa của người Do Thái ở Paris nơi Coulibaly bắt giữ con tin.
Sự hợp tác đó sẽ phải cải thiện nếu tận dụng tốt các nguồn lực chống khủng bố.
Bảy là sự hợp tác giữa những kẻ thánh chiến. Một trong những diễn biến gây bất ngờ trong các cuộc tấn công là sự liên kết của anh em nhà Kouachi với al-Qaeda ở Yemen, trong khi Coulibaly tuyên bố đang làm việc cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các cơ quan an ninh phải sẵn sàng đối phó với khả năng chúng phối hợp tiến hành các hành động khủng bố.
Theo VIetnam+
Bình luận