• Zalo

7 người chết trong lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây: Bóng cười tàn phá cơ thể khủng khiếp tới mức nào?

Sức khỏeThứ Ba, 18/09/2018 07:26:00 +07:00Google News

Kết quả test nhanh cho thấy cả 8 nạn nhân cấp cứu tại Bệnh viện E dương tính với ma tuý đá, cần sa và thuốc lắc, những nạn nhân này đều có sử dụng bóng cười.

Liên quan tới vụ 7 người chết trong lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây, ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E Hà Nội cho biết: 8 bệnh nhân tham gia lễ hội âm nhạc được chuyển đến cấp cứu lúc 22h40 đêm 16/9  gồm (3 nữ, 5 nam, độ tuổi từ 18-27).

Trong đó, có 1 nam bệnh nhân 27 tuổi thiệt mạng trước khi đến bệnh viện. 4 trường hợp trong tình trạng rất nặng như hôn mê sâu, giãn đồng tử, suy thận, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, tăng men tim... Đến 7h sáng nay, cả 4 trường hợp nặng đều qua đời (2 nam, 2 nữ).

3 trường hợp còn lại điều trị tại khoa Cấp cứu, thở oxy, truyền dịch, hạ sốt, an thần, chống co giật. Trong đó 1 bệnh nhân nặng được chuyển khoa Hồi sức tích cực, 2 bệnh nhân còn lại tạm ổn định.

Bệnh viện E cũng tiếp nhận thi thể 2 nạn nhân tử Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 chuyển sang để lưu tại nhà đại thể.

Trong 8 người chuyển đến Bệnh viện E , kết quả test nhanh cho thấy cả 8 dương tính với ma tuý đá, cần sa và thuốc lắc.

1

 Nạn nhân vụ 7 người chết do sốc ma túy trong lễ hội âm nhạc ở Hà Nội.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đang điều trị cho 2 nam bệnh nhân. ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, cả 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy thận và trụy tim mạch. Kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy tổng hợp và ma túy đá.

Theo đại diện cơ quan công an, tại hiện trường sự việc công an phát hiện có bóng cười cùng nhiều tinh thể màu trắng, viên nén nghi ma túy.

Trong 4 loại chất gây nghiện được phát hiện ở trên, bóng cười là loại chất duy nhất không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt do không phải chất ma túy và được mua bán, sử dụng công khai tại nhiều quán bar, quán cafe thậm chí tràn xuống cả vỉa hè.

Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: “Bóng cười tưởng chừng như vô hại, cười càng nhiều càng có lợi cho sức khỏe, song, việc lạm dụng bóng cười sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe, đặc biệt là hệ thần kinh và tim mạch”, BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Theo BS Nguyên, bóng cười thực chất là những trái bóng được bơm khí N2O. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch.

1

 Các nạn nhân của vụ 7 người chết trong lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây có sử dụng bóng cười.

“Chỉ riêng cười quá mức, liên tục cũng có thể gây ngạt do thiếu ôxy và nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Nguy cơ chết người do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này.

Mặt khác, khí cười là chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin”, BS Nguyên khuyến cáo.

BS Nguyên cũng cho biết, gần đây, số lượng người trẻ sử dụng bóng cười ngày càng tăng lên, Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận nhiều bạn trẻ đến điều trị trong tình trạng tương tự.

“Với tính chất nguy hiểm của khí cười như: Gây tổn thương thần kinh, gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm, chúng tôi khuyến cáo các bạn trẻ không sử dụng các khí này.

Lạm dụng khí cười thì sẽ phụ thuộc và nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm, không nên giải trí bằng bóng cười”.

Video: Sốc ma túy giết người nhanh tới mức nào?

Thu Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn